Thế giới

Lip-Bu Tan: Canh bạc lớn cứu 'vua chip' Intel khỏi vực sâu

Hoàng Yến 27/04/2025 16:33

Việc vực dậy Intel có lẽ là thử thách lớn nhất mà bất kỳ CEO nào trong lịch sử công ty từng đối mặt.

Intel , gã khổng lồ bán dẫn của nước Mỹ, từng có những nhà lãnh đạo xuất sắc. Robert Noyce, CEO đầu tiên, là người phát minh ra con chip silicon, đặt nền móng cho cái tên "Thung lũng Silicon". Gordon Moore, người kế nhiệm, đã ghi dấu lịch sử công nghệ với dự đoán nổi tiếng - Định luật Moore - rằng sức mạnh xử lý của chip sẽ tăng gấp đôi sau mỗi hai năm dù chi phí không tăng lên. Andy Grove, CEO thứ ba, biến Intel thành thế lực thống trị ngành bán dẫn với triết lý quản trị: "Chỉ những kẻ đa nghi mới sống sót”.

Theo The Economist, Intel sắp có một nhân vật nữa sẽ gia nhập hàng ngũ này: Lip-Bu Tan, chính thức tiếp quản vị trí vào tháng Ba vừa qua.

Những người tiền nhiệm gần đây của ông không đã để lại nhiều dấu ấn. Lip-Bu Tan thừa hưởng một Intel đã đánh mất vị thế dẫn đầu, thậm chí tụt hậu trong cả thiết kế bộ vi xử lý lẫn vận hành các nhà máy chip tiên tiến. Việc vực dậy Intel có lẽ là thử thách lớn nhất mà bất kỳ CEO nào trong lịch sử công ty từng đối mặt.

Ông Tan không xa lạ với ngành bán dẫn . Giống như nhiều lãnh đạo ngành chip hiện nay (bao gồm Jensen Huang của Nvidia, hãng bán dẫn giá trị nhất thế giới), ông có gốc gác Đông Nam Á. Sinh ra tại Malaysia, lớn lên tại Singapore trong gia đình có cha là nhà báo, mẹ là giáo viên, ông Tan sau đó sang Mỹ du học chuyên ngành kỹ thuật hạt nhân tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), rồi lấy bằng kinh doanh tại California.

Lip-Bu Tan: Canh bạc lớn cứu 'vua chip' Intel khỏi vực sâu - ảnh 1
Ông Lip-Bu Tan - người vừa trở thành CEO của Intel vào tháng 3 vừa qua


Năm 1987, ông thành lập Walden International — quỹ đầu tư mạo hiểm lấy cảm hứng từ tác phẩm "Walden" của Henry Thoreau, nhà văn Mỹ thế kỷ XIX nổi tiếng với tinh thần phản biện mà ông Tan ngưỡng mộ. Trong khi phần lớn giới đầu tư khi đó mải mê với các startup phần mềm, ông Tan lại đặt cược vào phần cứng — lĩnh vực kém hào nhoáng hơn.

Walden trở thành một trong những quỹ đầu tiên rót vốn vào ngành công nghiệp chip mới nổi tại châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Đài Loan. Năm 2001, ông trở thành nhà đầu tư sớm vào Công ty Sản xuất Bán dẫn Quốc tế (SMIC) — nhà máy đúc chip lớn nhất Trung Quốc — và giữ ghế trong hội đồng quản trị cho đến năm 2018, trước khi Mỹ áp lệnh trừng phạt lên công ty này.

Năm 2009, ông chuyển từ đầu tư sang điều hành trực tiếp, khi trở thành CEO của Cadence Design Systems — công ty phần mềm thiết kế chip đang lao đao vì biến động lãnh đạo và sản phẩm yếu kém. Ông Tan từng kể rằng, khi khảo sát ý kiến khách hàng về sản phẩm của Cadence, ông nhận về "khá nhiều điểm D và cả F”.

Không chùn bước, ông lao vào đọc sách về kỹ năng lãnh đạo, "không bỏ sót một trang nào". Công sức đó đã được đền đáp: ông trao quyền nhiều hơn cho các giám đốc bộ phận, củng cố quan hệ với khách hàng và thực hiện một loạt thương vụ mua lại khéo léo.

Đến khi Tan rời ghế CEO năm 2021, doanh thu của Cadence đã tăng gấp hơn ba lần, giá cổ phiếu tăng 48 lần - gấp ba lần mức tăng chung của chỉ số Philadelphia Semiconductor Index. Ông Morris Chang, nhà sáng lập TSMC - đối thủ lớn nhất của Intel - từng ca ngợi ông Tan là người đã "cứu Cadence thoát hiểm”.

Các nhà đầu tư và 110.000 nhân viên của Intel đang kỳ vọng ông Tan có thể tái lập kỳ tích đó. Từng là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, Intel đã bỏ lỡ làn sóng bùng nổ chip di động trong những năm 2000 vì quá chú trọng vào máy tính cá nhân.

Đến giữa thập niên 2010, những lần trục trặc sản xuất liên tiếp đã giúp AMD - đối thủ trong nước - giành lại thị phần trong mảng bộ vi xử lý trung tâm (CPU). Đồng thời, Intel cũng để mất vị trí dẫn đầu về sản xuất chip tiên tiến vào tay TSMC. Nghiêm trọng hơn cả, Intel gần như vắng bóng trên thị trường chip chuyên dụng cho AI - nơi Nvidia đang thống trị.

Doanh thu của Intel đã giảm từ 79 tỷ USD năm 2021 xuống còn 53 tỷ USD năm 2024. Giá trị thị trường của công ty hiện chỉ khoảng 90 tỷ USD - chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. TSMC hiện có giá trị gấp khoảng tám lần Intel, còn Nvidia gấp tới ba mươi lần.

Chưa đầy một tháng sau khi nhậm chức, ông Tan đã bắt tay vào những thay đổi lớn. Dưới thời người tiền nhiệm Pat Gelsinger, Intel đã cắt giảm 15% nhân sự, nhưng vào đầu tuần này tập đoàn tuyên bố cắt giảm thêm 20% nữa, khoảng 21.000 nhân sự dưới thời Tan. Ông cam kết tinh giản bộ máy quản lý, biến Intel thành "một startup lớn”.

Gần đây có nhiều ý kiến kêu gọi tách Intel làm đôi, nhằm tách bạch 2 mảng thiết kế và sản xuất chip. Tuy nhiên, Tan vẫn quyết tâm duy trì mô hình tích hợp giữa thiết kế và sản xuất chip trong cùng một công ty. Chặng đường theo đuổi quyết tâm đó sẽ vô cùng khó khăn. Intel đang phải đồng thời cạnh tranh với Nvidia trong lĩnh vực chip AI và với TSMC trong lĩnh vực sản xuất - hai chiến tuyến hoàn toàn khác biệt.

Hơn nữa, Intel vẫn đang trông cậy vào các khoản trợ cấp từ chính phủ Mỹ để xây dựng các nhà máy mới, trong khi căng thẳng thương mại với Trung Quốc - thị trường chiếm gần một phần ba doanh thu của Intel - tiếp tục là rủi ro lớn.

Dù vậy, ông Tan nổi tiếng là người không dễ dàng nhụt chí. "Ông ấy rất ghét thất bại”, một cộng sự nhận xét. Nếu bản lĩnh đó - cùng chút tinh thần phản biện kiểu Thoreau - có thể giúp ông lèo lái Intel thoát khỏi khủng hoảng, Lip-Bu Tan hoàn toàn có thể sánh vai với những huyền thoại trong lịch sử công ty.

Tham khảo The Economist

>> TSMC bác bỏ tin đồn bắt tay Intel, khẳng định không chia sẻ công nghệ

‘Ông trùm’ ngành chip bất ngờ từ bỏ quốc tịch Mỹ, chọn Trung Quốc: Là nhân vật kỳ cựu từng làm việc cho Intel, sở hữu hơn 500 bằng sáng chế

TSMC bác bỏ tin đồn bắt tay Intel, khẳng định không chia sẻ công nghệ

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/lipbu-tan-canh-bac-lon-cuu-vua-chip-intel-khoi-vuc-sau-141292.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Lip-Bu Tan: Canh bạc lớn cứu 'vua chip' Intel khỏi vực sâu
    POWERED BY ONECMS & INTECH