Lộ diện 6 ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì 'bão' thuế quan của ông Trump
Từ ô tô, chip bán dẫn đến hàng tiêu dùng, các doanh nghiệp đang chuẩn bị đối phó với giá cả leo thang, lợi nhuận sụt giảm và thị trường biến động mạnh.
Cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump  vừa công bố mức thuế cao đối với 3 đối tác thương mại lớn nhất của nước này.
Tuy nhiên tình thế đã nhanh chóng đảo ngược khi rạng sáng nay (4/2), ông tuyên bố sẽ tạm dừng áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Canada  và Mexico trong 30 ngày. Động thái này khiến giới đầu tư chật vật điều chỉnh chiến lược để đối phó với nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu.
Được biết Canada và Mexico vốn sẽ phải chịu mức thuế 25% đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ, trong khi hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế 10%. Canada đã nhanh chóng đáp trả bằng thuế quan 25% đối với 155 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Dù ông Trump từng nhiều lần đe dọa áp thuế trong chiến dịch tranh cử, chuyên gia Jim Reid của Deutsche Bank nhận định rằng thị trường đã “đánh giá quá thấp rủi ro” và giờ đây đang rơi vào trạng thái “sốc nặng”.
Trong ngắn và trung hạn, các tác động dự kiến bao gồm tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, giá dầu tăng, chi phí sinh hoạt của người tiêu dùng Mỹ cao hơn, lãi suất Mỹ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài và đồng USD mạnh lên.
Không chỉ Mỹ và 3 nền kinh tế bị ảnh hưởng trực tiếp, nhiều lĩnh vực trên toàn cầu cũng đang chuẩn bị cho những tác động tiêu cực từ thuế quan.
Ngành ô tô
Các hãng xe hơi, từ nhà sản xuất xe đến doanh nghiệp cung cấp linh kiện, được dự báo là một trong những ngành chịu tác động nặng nề nhất do căng thẳng thương mại gia tăng. Đây là một lĩnh vực có sự phụ thuộc lớn vào nhập khẩu Mỹ.
Volkswagen của Đức, chẳng hạn, sở hữu nhà máy sản xuất ô tô lớn nhất Mexico - nơi chuyên lắp ráp xe để xuất khẩu sang Mỹ.
Theo phân tích của RBC Capital Markets, hãng này có thể mất tới 9% lợi nhuận nếu thuế quan được áp dụng ở kịch bản xấu nhất. Trong khi đó, Stellantis – công ty mẹ của Chrysler và Jeep – cũng có nhiều hoạt động sản xuất tại Mexico, cũng có nguy cơ mất tới 12% lợi nhuận.
Ngành chip
Những công ty sản xuất chip và thiết bị bán dẫn, như TSMC hay ASML của Hà Lan, cũng chịu ảnh hưởng do chuỗi cung ứng trên toàn cầu – bao gồm các nhà máy tại Mexico và Trung Quốc – cùng nguy cơ suy giảm nhu cầu.
TSMC, hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới, chuyên gia công chip cho nhiều công ty Mỹ như Apple, Nvidia, AMD, Qualcomm và Intel. Trong khi đó, ASML cung cấp máy quang khắc tia cực tím (EUV) tiên tiến cho nhiều nhà sản xuất chip toàn cầu, với khách hàng tại Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Giám đốc nghiên cứu thị trường Susannah Streeter cho biết, những công ty như Nvidia phụ thuộc vào nguồn cung chip từ các nhà máy ở nước ngoài, trong đó có Trung Quốc và Mexico.
Nhiều linh kiện khác để xây dựng trung tâm dữ liệu AI cũng có thể bị ảnh hưởng nếu nằm trong danh mục bị đánh thuế.
Hàng tiêu dùng
Đối với người tiêu dùng Mỹ, giá cả dự kiến sẽ leo thang đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu, từ đồ nội thất, thiết bị điện tử, quần áo đến máy chơi game, điện thoại và đồ chơi.
Ngoài ra, thuế trả đũa từ các nước như Canada cũng sẽ ảnh hưởng đến hàng hóa Mỹ xuất khẩu, đồng thời tác động đến nhiều công ty hàng tiêu dùng toàn cầu có hoạt động kinh doanh tại Mỹ.
Một ví dụ điển hình là Diageo – tập đoàn đồ uống lớn đang gặp khó khăn vì nhu cầu yếu tại Bắc Mỹ. Fintan Ryan, chuyên gia phân tích cổ phiếu tiêu dùng tại Goodbody, cho biết Mỹ chiếm khoảng 45% lợi nhuận hoạt động của Diageo.
Điều này khiến thuế quan trở thành một trong những thách thức lớn nhất của công ty trong năm nay.
Các nhà bán lẻ Trung Quốc
Phân tích của Morgan Stanley chỉ ra các công ty Trung Quốc là nhóm đối mặt với rủi ro cao nhất từ thuế quan và các hạn chế mới trong việc tiếp cận thị trường Mỹ. Trong số đó, các nền tảng thương mại điện tử như Temu, Shein và AliExpress sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.
Nguyên nhân là do ông Trump đã chấm dứt quy chế miễn thuế “de minimis”, vốn cho phép các công ty xuất khẩu hàng hóa dưới 800 USD vào Mỹ mà không bị đánh thuế.
Giới chức Mỹ cho rằng cơ chế này giúp các công ty Trung Quốc bán phá giá, đồng thời đặt ra lo ngại về an toàn do quy trình kiểm tra lỏng lẻo. Theo dữ liệu từ Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ, nước này đã xử lý hơn 1,3 tỷ lô hàng theo diện de minimis trong năm 2024.
Khi không còn được miễn thuế, những sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc sẽ chịu thuế nhập khẩu, khiến giá bán tăng và có thể kéo theo sự suy giảm nhu cầu.
Nguyên vật liệu cơ bản và công nghiệp
Các công ty khai thác, chế biến kim loại, gỗ, thủy tinh, nhựa, than đá và đá quý có thể chịu tác động tiêu cực từ triển vọng tăng trưởng toàn cầu yếu hơn.
Canada dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Chuyên gia tại Scotiabank nhận định thuế quan trả đũa với đối tác thương mại hàng đầu là "kịch bản tồi tệ nhất" đối với quốc gia này - đặc biệt trong bối cảnh kinh tế yếu, nợ cao và khả năng đa dạng hóa thương mại thấp.
Năng lượng xanh
Ngành năng lượng tái tạo toàn cầu cũng có thể chịu tác động do Trung Quốc, Mexico và Canada là những trung tâm sản xuất thiết bị cho năng lượng mặt trời, gió và công nghệ xanh khác.
Hiệp hội Năng lượng Sạch Mỹ cảnh báo rằng thuế quan có thể làm tăng chi phí sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, bởi sự phụ thuộc vào linh kiện từ Canada và Mexico.
Các nhà phân tích Morningstar cũng lưu ý rằng thuế quan sẽ cản trở quá trình chuyển đổi năng lượng.
“Vì thuế nhập khẩu thực chất là một dạng thuế gián tiếp mà người tiêu dùng phải trả, chúng có thể dẫn đến lạm phát cao hơn, lãi suất cao hơn và tăng trưởng chậm lại, gây ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của các dự án điện gió và điện mặt trời”, họ giải thích.
Theo CNBC
>> Ngành ô tô toàn cầu chao đảo trước thuế quan của ông Trump: Ai chịu ảnh hưởng nặng nhất?