Lộ diện ngành mang về hàng chục tỷ đô cho Việt Nam, là trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế
Trong 9 tháng năm 2024, tổng giá trị xuất, nhập khẩu mặt hàng này đạt 131,9 tỷ USD.
Ngành công nghiệp điện tử đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. Hiện nay, ngành công nghiệp điện tử có tốc độ phát triển nhanh chóng, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học,... chiếm tỷ trọng khoảng 18% toàn ngành công nghiệp của Việt Nam.
Nước ta có nhiều lợi thế để phát triển ngành công nghiệp điện tử khi nằm trong khu vực có nền công nghiệp năng động và phát triển nhanh chóng. Ngoài ra, nguồn lao động  dồi dào, chi phí nhân công tương đối thấp, sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng - chìa khóa vàng trong phát triển công nghiệp vật liệu điện tử,... là những ưu điểm giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp này trong tương lai.
Mặt hàng điện tử, máy tính, linh kiện ngày càng đóng vai trò quan trọng và có sức ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của xuất khẩu cả nước. Trong 9 tháng năm 2024, tổng giá trị xuất, nhập khẩu mặt hàng này đạt 131,9 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 52,8 tỷ USD và nhập khẩu đạt 79,1 tỷ USD.
Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia có triển vọng trong việc phát triển ngành sản xuất điện tử, máy tính và linh kiện khi có cơ hội được đón sóng đầu tư từ các ông lớn trên thế giới. Tình hình kinh tế, chính trị có nhiều biến động khó lường, đặc biệt đầu năm 2018, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chính thức diễn ra khiến nhiều nhà đầu tư lựa chọn những thị trường khác để đầu tư, trong đó có Việt Nam.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp là 8,6%. Trong đó, nổi bật là sản xuất linh kiện điện tử tăng 10,5%.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Trong giai đoạn 2011-2023, kim ngạch xuất khẩu  nhóm hàng điện tử, máy tính, linh kiện liên tục ghi nhận những tín hiệu tích cực. Nổi bật trong đó là năm 2012 kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này tăng 68,4% so với năm trước; năm 2015 tăng 36,5%; năm 2017 tăng 38,6%; năm 2022 tăng 9,7% và năm 2023 do bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, tổng cầu suy giảm nên tăng thấp 3,2%. Bình quân cả giai đoạn này tăng 23,8%, một mức tăng ấn tượng đối với một mặt hàng xuất khẩu trong hơn 10 năm.
Bên cạnh đó, trong 10 năm qua, nhập khẩu mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện cũng ghi nhận những con số ấn tượng. Nhập khẩu mặt hàng này vào năm 2010 chỉ chiếm 6,1% tổng kim ngạch nhập khẩu thì đến năm 2023, con số này đã tăng lên 27%, trở thành nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch nhập khẩu của nước ta.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu ấn tượng, ngành công nghiệp được đánh giá là mũi nhọn của nước ta vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua để nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Hiện nay, nước ta vẫn chỉ đang ở những bước đầu trong quá trình sản xuất sản phẩm điện tử và còn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nội địa trong ngành còn nhiều hạn chế về năng lực. Các doanh nghiệp điện tử nội địa trước đây đang có xu hướng phát triển chậm lại hoặc mất dần thương hiệu. Ngoài ra, sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều yếu điểm như: chưa hướng mạnh vào chế biến sâu; sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ và chất xám cao chưa phát triển; mẫu mã, chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường;...
Vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động học hỏi để nâng cao năng lực, phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn của thị trường. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển vọng trong lĩnh vực điện tử phát triển bằng những biện pháp hỗ trợ kịp thời, hợp lý.