Lộ diện quốc gia là đích đến của 1/4 dòng vốn Việt Nam đầu tư ra nước ngoài
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 150,7 triệu USD. Đặc biệt, một quốc gia đã chiếm tới 24,3% tổng số vốn Việt Nam đầu tư ra nước ngoài trong thời gian này.
Tin mới từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư hé lộ một bức tranh thú vị về xu hướng đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư của Việt Nam tại các thị trường nước ngoài đạt mức gần 150,7 triệu USD, giảm 53% so với cùng kỳ năm 2023.
Số lượng các dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư lên đến 64 dự án, với tổng vốn của phía Việt Nam là 122 triệu USD, sụt giảm 18,2% so với năm trước. Bên cạnh đó, có 15 lượt dự án điều chỉnh vốn, với số vốn điều chỉnh tăng 28,6 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái ghi nhận giảm 83,3%.
Xét theo ngành nghề, vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam  được phân bổ vào 12 ngành, dẫn đầu là khai khoáng với số vốn đầu tư lên đến 58,6 triệu USD, chiếm 38,9%; tiếp theo là công nghiệp chế biến, chế tạo với 28,9 triệu USD, chiếm 19,2%; ở vị trí thứ ba là ngành bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 24,7 triệu USD, chiếm 16,4%; tiếp đó là dịch vụ khác với 10,0 triệu USD; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng và điều hòa không khí đạt 6,8 triệu USD, chiếm 4,5%.
Trong khoảng thời gian này, Việt Nam đầu tư vào 23 quốc gia trên thế giới, trong đó Hà Lan nhận được đầu tư nhiều nhất với 54,6 triệu USD, chiếm tới 36,2% tổng vốn đầu tư; ở vị trí thứ hai là Lào với 36,7 triệu USD, chiếm 24,3%; Hoa Kỳ ở vị trí thứ ba với 18,7 triệu USD, chiếm 12,4%; ở những vị trí tiếp theo là Campuchia với 12,4 triệu USD và New Zealand với 5,9 triệu USD,...
Lũy kế đến ngày 20/7/2024, số dự án đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam đạt 1.750 dự án với gần 22,27 tỷ USD tổng vốn đầu tư. Đặc biệt, ngành nhận được nhiều ưu ái của Việt Nam nhất tiếp tục thuộc về khai khoáng với 31,6% và nông, lâm nghiệp, thủy sản với 15,5%.
Lào - Việt Nam, mối quan hệ đậm sâu
Theo số liệu thống kê công bố cuối năm 2023, Việt Nam đang thuộc top 3 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn nhất vào Lào. Trong 7 tháng đầu 2024, tổng vốn đầu tư của Việt Nam vào Lào đạt 36,7 triệu USD, chiếm 1/4 tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong khoảng thời gian này.
Nằm trong bối cảnh mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt giữa Việt Nam và Lào, các doanh nghiệp Việt Nam đang đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự hợp tác song phương lên tầm cao mới.
Những nỗ lực bền bỉ và chiến lược kinh doanh sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã tạo ra một bức tranh hợp tác Việt - Lào đa văn hóa. Mối liên kết kinh tế Việt - Lào không chỉ là một câu chuyện về con số, mà còn là một tấm gương sáng về tinh thần đoàn kết, hữu nghị và sự tương trợ lẫn nhau. Các doanh nghiệp Việt Nam đang không ngừng mở rộng phạm vi hoạt động, tìm kiếm cơ hội đầu tư và kinh doanh tại Lào, góp phần tăng cường sự gắn kết giữa hai nước.
Bằng việc chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và tạo ra các chuỗi giá trị liên kết, các doanh nghiệp Việt Nam đang có những đóng góp không chỉ vào phát triển kinh tế, mà còn gia tăng niềm tin và tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước. Tại một buổi phát biểu, Phó Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào - Việt, ông Viengsavanh Vilayphone, cho biết: “Đầu tư của Việt Nam đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội và tạo việc làm cho hàng nghìn người dân ở Lào, đồng thời cũng tạo ra thu nhập cho Chính phủ ".
Tại khắp các tỉnh, thành của Lào, các dự án của doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh rất sôi nổi tại rất nhiều lĩnh vực khác nhau gồm: tài chính ngân hàng; viễn thông; dịch vụ; nông, lâm nghiệp; khai khoáng; thủy điện;...
Những dự án của các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh tốt và có nhiều đóng góp tích cực vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống, thu nhập và đời sống tinh thần của người dân tại đất nước này. Theo thống kê, trung bình mỗi năm những dự án này của Việt Nam đã đóng góp vào nguồn thu cho ngân sách nhà nước Lào trung bình 200 triệu đồng/năm.
Nổi bật trong những dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào có thể kể đến Công ty Star telecom với thương hiệu Unitel. Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9/2009 với tổng vốn đầu tư 29 triệu USD. Với hành trình hoạt động và phát triển 12 năm, hiện nay Unitel trở thành nhà mạng lớn nhất tại Lào với 3,3 triệu thuê bao, chiếm 57% thị phần, là một bước đệm quan trọng đưa đất nước này trở thành một trong những nước có vùng phủ và tốc độ 4G tốt nhất Đông Nam Á.
Mối quan hệ khăng khít giữa Việt Nam và Lào - Ảnh: Internet |
Lào luôn ở trong top đầu các quốc gia và vùng lãnh thổ mà các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Đây là một thành tựu vang dội, không chỉ thể hiện sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam, mà còn là minh chứng cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại và ngày càng bền chặt giữa hai quốc gia.
Bằng việc đầu tư vào Lào, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước bạn, mà còn tạo ra hàng triệu cơ hội việc làm cho người lao động Lào. Điều này không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân Lào, mà còn là hiện thân của tình đoàn kết, sự tương trợ giữa hai nước.
>>Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 22-26/7/2024 
Việt Nam xuất siêu hơn 14 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 
Thái Lan, Singapore và các nước trong khu vực rót bao nhiêu vốn FDI vào Việt Nam?