Thái Lan, Singapore và các nước trong khu vực rót bao nhiêu vốn FDI vào Việt Nam?
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 7 tháng đầu năm 2024, Singapore là nước dẫn đầu tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam, đạt gần 6,52 tỷ USD.
Trong vòng 7 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng 10,9% cùng kỳ năm trước, đạt hơn 18 tỷ USD.
Về vốn đăng ký mới, có 1.816 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với số vốn đăng ký đạt 10,76 tỷ USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về vốn điều chỉnh, có 734 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 4,97 tỷ USD, giảm 0,3% về lượt dự án và tăng 19,4% về tổng vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Về góp vốn, mua cổ phần, trong 7 tháng có 1.795 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, ghi nhận giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước và tổng giá trị góp vốn giảm 45,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 2,27 tỷ USD.
Đầu tư nước ngoài 7 tháng năm 2024 - Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Trong 7 tháng đầu năm 2024, ghi nhận 91 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam . Đặc biệt trong đó, “ngôi vương” thuộc về Singapore với vốn đầu tư 6,52 tỷ USD, chiếm gần 36,2% tổng vốn đầu tư, tăng 79,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khu vực Đông Nam Á, bên cạnh Singapore với số vốn đầu tư lớn nhất, các quốc gia khác cũng đã đầu tư vào Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2024, ngoài Singapore, tổng số vốn đăng ký cấp mới Việt Nam nhận được từ Thái Lan đạt cao nhất đạt 42,3 triệu USD.
Số vốn đang ký cấp mới từ Malaysia là 5,1 triệu USD; từ Indonesia đạt 0,08 triệu USD; từ Campuchia đạt 3,7 triệu USD, từ Philippines là 3,1 triệu USD, từ Brunei đạt 21,57 triệu USD và từ Myanmar là 0,39 triệu USD.
Hồng Kông (Trung Quốc) đầu tư vào Việt Nam với số vốn hơn 2,19 tỷ USD, thấp hơn khá nhiều so với Singapore nhưng đứng thứ hai với 12,2% tổng vốn đầu tư.
Đặc biệt, nếu xét về số dự án, Trung Quốc  ở vị trí dẫn đầu, chiếm 29,7% về số dự án đầu tư mới; Hàn Quốc đầu bảng về số lượt điều chỉnh vốn với 24,5% và góp vốn, mua cổ phần chiếm 26%.Vốn đầu tư tập trung nhiều tại các tỉnh, thành phố có ưu điểm về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực,... như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai. Trong 7 tháng đầu 2024, Bắc Ninh có tổng vốn đầu tư gần 3,2 tỷ USD, chiếm 17,8% tổng vốn đầu tư nước ngoài - dẫn đầu các tỉnh, thành phố Việt Nam nhận đầu tư nước ngoài, tiếp sau là Quảng Ninh với hơn 1,56 tỷ USD, chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, ghi nhận gấp 2,2 lần so với cùng kỳ.
Hiện có 18 trên tổng số 20 ngành kinh tế quốc dân đã được nhận đầu tư nước ngoài. Trong đó, chiếm đến 70,3% tổng vốn đầu tư đăng ký là ngành công nghiệp chế biến (12,65 tỷ USD). Vị trí thứ hai thuộc về hoạt động kinh doanh bất động sản với 2,87 tỷ USD, chiếm gần 16%; tiếp theo ở vị trí thứ ba là bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy chiếm 4,1%,...
>>3 luật quan trọng và loạt chính sách kinh tế có hiệu lực từ tháng 8/2024