Vĩ mô

Lo ngại lạm phát khi tăng lương

Khúc Văn 03/07/2024 - 07:59

Khi lạm phát tăng trưởng, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại rằng sẽ có tình trạng tát nước theo mưa khi gía cả hàng hoá tăng.

Dự báo lạm phát 2024

Từ đầu năm, Tổng cục Thống kê đã xây dựng kịch bản lạm phát cả năm 2024 từ 3,8 - 4,5%, nhưng bình quân 6 tháng đầu năm 2024 lạm phát đã ở mức trên 4%. Tuy vậy, Tổng cục Thống kê đánh giá khả năng thực hiện đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát mà Quốc hội đề ra cho năm nay là khả thi.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, bình quân 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lạm phát phù hợp để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nằm trong mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm nay từ 4 - 4,5%.

Lo ngại lạm phát khi tăng lương

Tổng cục Thống kê đánh giá khả năng thực hiện đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát mà Quốc hội đề ra cho năm nay là khả thi.

Ngoài ra, lạm phát 6 tháng đầu năm cũng đang theo xu hướng của kịch bản giá đã xây dựng từ đầu năm. Như vậy, để đạt mức mục tiêu 4,5% của cả năm 2024 thì dư địa cho bình quân 6 tháng cuối năm là 4,9% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, có một số yếu tố thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát trong thời gian tới. Cụ thể, lạm phát toàn cầu đang tiếp tục xu hướng hạ nhiệt, giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu. Các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất 6 tháng cuối năm góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng…

Thêm nữa, với nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, Việt Nam tránh được rủi ro, thách thức về an ninh lương thực đang có khả năng xảy ra ở nhiều nước trên thế giới.

Chưa kể, sự chỉ đạo quyết liệt, phản ứng kịp thời của Chính phủ sẽ giúp hạn chế tác động cộng hưởng của việc điều chỉnh giá lên lạm phát, ổn định tâm lý kỳ vọng lạm phát. Do đó, Tổng cục Thống kê đánh giá khả năng đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát mà Quốc hội đề ra cho năm nay là khả thi.

Nhận định về xu hướng lạm phát, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng không quá lo ngại về lạm phát năm nay. Ông Thịnh dự báo, nếu kịch bản lạm phát ở các nền kinh tế lớn vẫn cao, kinh tế thế giới phục hồi chậm, giá nguyên vật liệu cao, kinh tế Việt Nam tăng trưởng thấp… thì lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,2 - 3,5%.

Ngược lại, nếu kinh tế thế giới và Việt Nam phục hồi tốt hơn, xuất khẩu, nhập khẩu, dịch vụ tăng trưởng mạnh, giải ngân đầu tư công đạt mức cao, thì khả năng lạm phát cả năm có thể ở mức từ 3,5 - 3,8%”.

Trong khi đó TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV đánh giá, số liệu thống kê và dự báo của World Bank cho thấy lạm phát đã giảm từ mức 8,6% năm 2022 xuống còn 5% năm 2023; dự kiến 3,5 - 4% năm 2024 và 3% năm 2025.

>>Tổng mức hàng hoá và bán lẻ tiêu dùng tăng 8,6%

Kiểm soát lạm phát như thế nào?

Đối với việc lo ngại ảnh hưởng của việc cải cách tiền lương từ 1/7 tới lạm phát, lo ngại hàng hóa “té nước theo mưa”, Tổng cục Thống kê cho rằng tính từ năm 2009 đến 1/7/2024, mức lương cơ sở đã tăng khoảng 280%, lương tối thiểu vùng tăng khoảng 480%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 108%.

Như vậy sau 15 năm, tốc độ tăng lương cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Điều này cho thấy, Chính phủ luôn hướng tới mục tiêu tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương, tạo động lực nâng cao năng suất lao động.

Đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng việc tăng lương góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế, làm cho sức mua của dân cư được tăng lên, khi quan hệ cung cầu thay đổi sẽ ảnh hưởng đến giá cả.

Tuy nhiên, nếu như trước đây giá thường tăng khi lương tăng, thậm chí giá tăng ngay khi có chủ trương về chính sách tăng lương, thì trong những năm trở lại đây, Chính phủ, người dân cũng như thị trường đã thích ứng, không bị tác động nhiều nên ít xảy ra chuyện tăng giá khi tăng lương mà chủ yếu tạo ra kỳ vọng lạm phát.

Để kiểm soát lạm phát trong những tháng còn lại của năm, Tổng cục Thống kê khuyến nghị cần chủ động theo dõi sát diễn biến kinh tế, giá cả các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến của các xung đột, căng thẳng địa chính trị để kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá cả hàng hóa và dịch vụ ở trong nước.

Ngoài ra, cần đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Lo ngại lạm phát khi tăng lương
Kiểm soát lạm phát như thế nào?

Đối với việc tăng giá các hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước quản lý, không nên điều chỉnh nhiều loại giá cùng một thời điểm, không nên dồn vào cuối năm - thời điểm nhu cầu tiêu dùng cao vì khi chỉ số giá tiêu dùng liên tục tăng cao sẽ tạo ra lạm phát kỳ vọng lớn và tạo áp lực điều hành lạm phát cho năm 2025…

Dù vậy, hiện tượng “té nước theo mưa” khi lương tăng vẫn xảy ra, do đó Tổng cục Thống kê khuyến nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường triển khai và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Ngoài ra, cần kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao và là đầu mối của các chuỗi cung ứng; khuyến khích trung tâm thương mại, siêu thị tổ chức các đợt khuyến mại hàng hóa nhằm kích cầu tiêu dùng cùng thời điểm lương tăng.

Thảo luận tại Quốc hội mới đây, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. HCM) cũng nhấn mạnh cần kiểm soát lạm phát tâm lý, lạm phát tin đồn, lạm phát domino, "té nước theo mưa"; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử phạt nghiêm minh những vấn đề liên quan pháp luật về giá.

IMF kêu gọi Fed 'kiên nhẫn' để kiềm chế lạm phát, chờ 'bằng chứng rõ ràng' trước khi hạ lãi suất

Thước đo lạm phát ưa thích của Fed tăng yếu nhất trong hơn 3 năm, Fed có thể sắp cắt giảm lãi suất?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/lo-ngai-lam-phat-khi-tang-luong-240810.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Lo ngại lạm phát khi tăng lương
    POWERED BY ONECMS & INTECH