Loại cây kỳ diệu của Việt Nam có thể tạo ra báu vật trị giá hàng tỷ đồng
Loại cây này cũng có giá trị lớn trong Đông y.
Việt Nam là một trong số ít quốc gia sở hữu cây dó bầu – loài cây có thể tạo ra trầm hương, loại dược liệu quý hiếm được ví như “vàng lỏng” vì giá trị kinh tế cao. Theo Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng (Hội Đông Y Hà Nội), trầm hương được hình thành khi cây dó bầu có phản ứng miễn dịch với các vết thương hoặc nhiễm trùng. Trong tự nhiên, chỉ khoảng 1/1.000 – 1.500 cây mới có thể tạo ra trầm.
Trầm hương Việt Nam nổi tiếng nhờ chất lượng vượt trội, đặc biệt là bạch kỳ – loại trầm có thời gian hình thành lên đến hàng trăm năm, vô cùng khan hiếm. Giá trị của trầm hương có thể lên tới hàng tỷ đồng/kg, người có tiền chưa chắc đã sở hữu được.
![]() |
Theo Trầm Hương An Nhiên |
Theo phân tích của chuyên gia, trầm hương chứa tinh dầu với các thành phần chính như 11% terpen alcol, 53% metoxybenzalaceton, 26% benzylaceton cùng một số acid amin. Trong y học cổ truyền, trầm có vị cay, đắng, tính ôn, tác động đến kinh Tỳ, Vị và Thận.
Trong Đông y, trầm hương có tác dụng giảm đau, kiện vị, giáng khí, ôn trung, tráng nguyên dương và hỗ trợ điều trị các bệnh suyễn cấp, khí nghịch, tiêu chảy, thận hư, chứng tinh lạnh ở nam giới. Trầm thường được sử dụng dưới dạng bột hoặc hoàn với liều dùng trung bình từ 1-4g/ngày.
>> Việt Nam có loại hạt ăn vào thanh mát được ví như hạt 'ngọc trắng' tốt cho sức khoẻ 
Y học hiện đại cũng ghi nhận công dụng của trầm hương. Nghiên cứu cho thấy trầm có chứa acetylcholine, giúp giảm biên độ co bóp ruột, ức chế co thắt cơ trơn và điều hòa nhu động đường ruột.
![]() |
Cây bầu gió |
Lương y Bùi Đắc Sáng chia sẻ một số bài thuốc Đông y sử dụng trầm hương.
Chữa hen phế quản: Trầm hương (15g), Trắc bách diệp (3g). Tán bột uống trước khi ngủ (không dùng cho người âm hư hỏa vượng).
Giảm đau dạ dày, nôn mửa: Trầm hương (10g), Đinh hương (10g), Bạch khấu nhân (8g), Nhục quế (10g), Hoàng liên (8g). Dùng 1g bột/lần, uống với nước nóng, ngày 3-4 lần.
Hỗ trợ điều trị khí nghịch, suyễn, chán ăn: Trầm hương (6g), Binh lang (6g), Ô dược (6g), Nhân sâm (6g). Sắc nước uống ngày 1 thang.
Trị khó thở, tức ngực do xúc động mạnh: Trầm hương (8g), Nhân sâm (8g). Hãm với nước sôi trong 10 phút, uống ấm.
Hỗ trợ điều trị táo bón ở người cao tuổi: Trầm hương (2g), Ma nhân (12g), Nhục thung dung (24g). Tán bột, trộn mật ong làm viên, uống 12-20g/lần, ngày 2 lần.
Theo chuyên gia, trầm hương không nên dùng cho người âm hư hỏa vượng, phụ nữ mang thai hoặc người có khí hư hãm ở phần dưới. Trước khi sử dụng trầm hương để chữa bệnh, người dân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
>> Loại nho đặc biệt có chứa tinh chất quý hiếm từ nhân sâm, giá tiền lên đến 700 nghìn/kg