Đây là loại gỗ phải chờ 200 năm cây mới trưởng thành, có giá siêu đắt nhưng vẫn "cháy hàng" thường xuyên.
Loại gỗ  siêu hiếm, siêu đắt trên thế giới, đợi 200 năm cây mới trưởng thành
Gỗ đen châu Phi nổi tiếng là loại gỗ vừa hiếm có vừa đắt đỏ. Theo thông tin từ Nikkei Asia, đây là loại gỗ được tìm thấy ở Tanzania, nổi tiếng với thớ mịn, cứng, có độ bền cao.
Thường cây gỗ đen châu Phi sẽ cao khoảng 8m, chiều cao tối đa là 15m. Tuy nhiên, loại cây này trưởng thành rất chậm, trải qua khoảng 200 năm cây mới trưởng thành. Với nhu cầu khai thác, người ta thường thu hoạch loại gỗ này khi cây được khoảng 70-80 năm, đường kính khoảng 30cm.
Gỗ đen châu Phi được săn lùng khắp thế giới, dù giá thành cao nhưng nhu cầu sử dụng vẫn rất lớn. Ảnh: Internet
Từ lâu, gỗ đen châu Phi đã được coi là loại gỗ siêu đắt trên thế giới. Từ năm 2016, giá niêm yết của 1m3 gỗ đen châu Phi đã rơi vào khoảng 13.000 USD/m3 (tương đương 300 triệu đồng), 1 khúc gỗ này cũng được định giá 9.000 USD (tương đương 229 triệu đồng).
Cây gỗ đen châu Phi thường chỉ cao 8m, mất 200 năm cây mới trưởng thành. Ảnh: Internet
Như vậy, có thể thấy gỗ đen châu Phi không phải là loại gỗ dễ kiếm, dễ trồng và nhanh được thu hoạch. Vì nhiều lý do, nó trở thành loại gỗ được nhiều người săn lùng, dù đắt tới đâu cũng "cháy hàng".
Gỗ đen châu Phi được sử dụng làm gì?
Gỗ đen châu Phi có giá thành cao là vì chúng khó gia công lại chậm phát triển. Tuy nhiên, chất lượng của loại gỗ này lại là điều không ai cần bàn tán. Gỗ có độ cứng đáng chú ý, tới mức có thể dễ dàng làm các dụng cụ cắt gỗ cùn đi. Không chỉ vậy, chúng còn có độ bền ấn tượng, chịu nhiệt, chịu lực tốt, chống cong vênh và không bị phân hủy.
Nhược điểm của loại gỗ "đắt xắt ra miếng" này là chúng không mọc thẳng như mong muốn của những người khai thác, chế tác gỗ thành các vật dụng khác nhau. Vì vậy, các nhà sản xuất chỉ có thể tận dụng 9% gỗ đen châu Phi để làm các loại nhạc cụ. Một cây gỗ đen châu Phi cao 10m, tuổi thọ lên đến 70 năm chỉ có thể chế tạo thành 50 chiếc kèn clarinet, cho thấy chúng là loại gỗ khó gia công tới mức nào.
Loại kèn được làm từ gỗ đen châu Phi. Ảnh: Internet
Nhiều thế kỷ trước, gỗ đen thường được sử dụng để làm tay cầm các dụng cụ y tế. Bên cạnh đó, người ta cũng thường tận dụng loại gỗ quý giá này để làm đồ tiện, khảm đồ nội thất. Đây cũng là 1 nguyên liệu lý tưởng để làm các nhạc cụ hơi. Gỗ đen châu Phi có khả năng tạo ra những âm hưởng đặc biệt, là công cụ hỗ trợ đắc lực cho kèn obo và kèn clarinet thường xuất hiện trong các phòng hòa nhạc nổi tiếng thế giới. Nhờ có dầu nên loại gỗ này có thể hạn chế được tình trạng rỉ sét trên các nhạc cụ khác nhau. Hiện tại, loại gỗ quý này vẫn thường được dùng để sản xuất các nhạc cụ đắt đỏ.
Loại gỗ đen sì chuyên để sản xuất nhạc cụ. Ảnh: Internet
Theo trợ lý giám đốc nhóm mua sắm vật liệu của Yamaha - Kazushi Nakai, gỗ đen châu Phi là thứ không thể thay thế và nhiều người lo ngại về tương lai của chúng. Không chỉ vậy, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế cũng đưa gỗ đen châu Phi vào dạng "sắp bị đe dọa". Hiện tại, nhu cầu khai thác , sử dụng gỗ đen châu Phi ngày càng lớn trong khi nguồn cung hạn hẹp, lại mất rất nhiều thời gian chờ cây trưởng thành mới có thể thu hoạch.
Gỗ đen châu Phi ngày càng hiếm có, các chương trình trồng cây này đã được thực hiện để đảm bảo nguyên liệu sản xuất. Ảnh: Internet
Bởi vậy, gỗ đen châu Phi càng trở thành loại gỗ hiếm và đắt đỏ hàng đầu thế giới. Đứng trước nguy cơ loại cây này "sắp bị đe dọa", nhiều chương trình trồng gỗ đen châu Phi cũng được thực hiện để đảm bảo nguồn cung tốt hơn trong tương lai.