Đây là loại gỗ được hình thành từ rừng cây nguyên sinh dưới tác động của núi lửa gỗ bị chôn vùi dưới nham thạch hàng triệu năm và hóa ngọc.
Gỗ hóa thạch hay còn gọi là gỗ hóa đá, gỗ đá. Đây là loại gỗ bị chôn vùi trong nham thạch  hoặc trong lòng đất hàng triệu năm.
Trong quá trình phát triển địa chất, khi cây bị chôn vùi xuống lòng đất thì biến thành than đá. Trường hợp gặp điều kiện thuận lợi như trong đất có dung dịch silic (SiO2) thì nó sẽ ngấm vào các thớ cây, khiến cho cây cứng như đá. Độ cứng của gỗ hóa thạch ngang với mã não.
Nhìn bên ngoài, gỗ hóa thạch giống như cây gỗ thông thường nhưng khi sờ vào sẽ cảm nhận được sự mát lạnh. Gỗ hóa thạch rất cứng, có thể sử dụng làm đồ mỹ nghệ. Với những khúc to, người ta có thể cưa ra làm bàn, ghế vì nó không bị mưa gió hay thời tiết làm cho hư hỏng, mục nát.
Loại gỗ này được hình thành với nhiều màu sắc khác nhau nhưng thường gặp nhất là xám, xám trắng, cam, đỏ, vàng, đen nâu, phớt đen…. Các màu còn hòa cùng nhau và tạo nên một sắc thái đặc biệt.
Gỗ hóa thạch được nhiều đại gia săn lùng vì vẻ đẹp độc đáo. Ngoài ra, nhiều người cho rằng đá hoá thạch mang nhiều ý nghĩa về phong thuỷ . Loại gỗ này được cho là có tác dụng tốt đối với sức khoẻ nhờ nguồn năng lượng tích cực trải qua hàng triệu năm nên thu hút được tinh tuý của trời đất. Năng lượng này sẽ giúp gia chủ có nhiều may mắn, bình an và tài lộc.
Hiện gỗ hóa thạch được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới. Ở vùng Primorie thuộc Nga, Ukraina và Acmênia còn có một mỏ gỗ hóa thạch lớn.
Vài năm trước, một người nông dân ở làng Bibinsan, thị trấn Magway, thuộc tỉnh Magway ở Myanmar tình cờ tìm thấy cây gỗ hóa thạch khổng lồ trong lúc đào ruộng. Các chuyên gia thẩm định nhận định cây gỗ hóa ngọc này có giá trị lên tới 55 tỷ kyat (hơn 660 tỷ đồng). Với mức giá như vậy, nó có thể coi như một "báu vật" trời ban. Sau đó, các nhà chức trách địa phương đã bàn bạc với các chuyên gia về cách xử lý "kho báu " này. Thân cây hóa ngọc khổng lồ này đã được đưa về trưng bày tại bảo tàng của tỉnh.
Tại Việt Nam, loại gỗ này được tìm thấy tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, đặc biệt là tỉnh Gia Lai - nơi vốn tồn tại hàng chục ngọn núi lửa .
Năm 2005, một vài người dân ở xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) phát hiện cây gỗ hóa thạch lộ nguyên gốc, đường kính 1,4m. Hiện cây gỗ hóa thạch này được đặt tại Công viên Đồng Xanh (TP. Pleiku, Gia Lai) để phục vụ khách tham quan, du lịch.
Cũng vì thế, dãy núi Chư A Thai được xem là vương quốc của gỗ hóa thạch. Người dân trong xã Chư A Thai và nhiều người tứ xứ đã đổ về nơi đây để sưu tầm cho mình những khúc gỗ hóa thạch có giá trị.
Vào những năm 2005-2015, gỗ hóa thạch được các thương lái thu mua với giá 5.000-6.000 đồng/kg, đá đẹp có giá lên đến 10.000 đồng/kg. Những tảng đá có khối lượng lớn lại được tính theo hình dạng, màu sắc... và có giá hàng chục triệu đồng.