Loại quả này ngày càng được nhiều người ưa chuộng, nhất là ở thành phố dù hương vị lạ lẫm.
Nhiều loại quả  xung quanh chúng ta có thể ăn được, người người ưa chuộng từ xưa tới nay. Quả ô môi cũng là 1 loại thực phẩm như thế. Từ xưa, quả ô môi đã xuất hiện ở rất nhiều nơi, nhất là các tỉnh miền Tây.
Ô môi là cây họ đậu, thân gỗ, có chiều dài từ 10-20m. Cây ô môi thường mọc thẳng, lá thon dài, màu xanh sáng bóng. "Hoa anh đào miền Tây" chính là cái tên mĩ miều người ta đặt cho loại cây này, vì mỗi lần nở hoa lại hồng rực rỡ 1 khoảng trời. Đường phố trồng nhiều cây ô môi cũng trở nên nổi bật, ấn tượng hơn.
Hoa ô môi nở hồng rực rỡ 1 khoảng trời, được nhiều người dân ví là "hoa anh đào miền Tây". Ảnh: Internet
Quả ô môi cũng là một trong những loại quả được nhiều người trưng dụng. Loại quả này dẹt, có hình trụ, dài khoảng 50-60cm. Khi còn non, quả ô môi dài và nhỏ như quả đậu đũa. Khi chín, quả đổi từ màu xanh sáng đen, lớp vỏ cứng cáp hơn nhiều. Nhiều người nhận định trái ô môi giống như quả phượng nhưng tròn hơn 1 chút.
Lý giải về tên gọi của quả này, nhiều người cho rằng ô nghĩa là đen, môi là 1 bộ phận trên gương mặt. Khi ăn quả này, đôi môi chúng ta sẽ chuyển từ hồng sang đen, vì vậy nên gọi là quả ô môi.
Từng rụng không ai ăn, nay quả ô môi được nhiều người săn lùng. Ảnh: Internet
Khi ăn thử loại quả này, nhiều người bất ngờ về hương vị đặc biệt của nó. Quả ô môi có từng ngăn nhỏ khác nhau, mỗi ô là 1 hạt kèm với phần thịt mỏng và lớp mật màu đen. Khi ăn vào, quả này có vị ngọt nhưng hơi nồng, hăng lạ miệng. Dù bề ngoài của quả này không mấy đẹp mắt nhưng lại được coi là món ăn vặt của rất nhiều người. Chính vị ngọt kèm 1 chút nồng, hăng làm nên nét đặc trưng của quả ô môi, làm người ta ăn 1 lần cũng nhớ mãi.
Không chỉ ăn phần thịt của quả ô môi, hạt ô môi cũng ăn được. Nhiều người tận dụng loại hạt đặc biệt này để làm chè mang lại hương vị thơm ngon. Khi chế biến, chúng ta chỉ cần ngâm hạt ô môi trong nước, đợi lớp vỏ dão ra sẽ tách vỏ bỏ đi, ăn phần hạt. Nấu hạt ô môi với dừa tạo nên loại chè ngọt, bùi hấp dẫn, thanh nhiệt ngày hè.
Không chỉ quả mà hạt ô môi cũng ăn được. Ảnh: Internet
Lá, vỏ thân và hạt của quả ô môi đều được dùng làm dược liệu. Quả ô môi thường được trồng nhiều ở miền Nam nhưng cũng xuất hiện ở nhiều tỉnh miền Bắc. Người dân thường tận dụng loại quả này để ngâm rượu, có tác dụng kích thích tiêu hóa, đồng thời hỗ trợ điều trị các bệnh về xương khớp.
Theo y học  cổ truyền, quả ô môi được dùng để giảm đau, giúp vết thương nhanh lành, nhuận tràng. Theo y học hiện đại, đây lại là loại quả tăng cảm giác thèm ăn, giảm tình trạng khó tiêu, chướng bụng, buồn nôn. Đồng thời, đây cũng là loại quả có thể dùng để sát trùng, hỗ trợ trị các vết thương do rắn, rết cắn.
Loại quả này gắn liền với tuổi thơ của nhiều người. Ảnh: Internet
Tháng 10 hàng năm là thời điểm nhiều người thu hoạch quả ô môi chín. Vỏ thân và lá của cây này có thể hái vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tại các khu chợ ở quê, người ta thường bán 25.000-30.000 đồng/bó quả ô môi. Nhiều người dân thành phố thường tìm mua, tiêu thụ loại quả đặc biệt này. Sau khi thu hoạch, người ta thường ăn trực tiếp quả ô môi hoặc ngâm với rượu để uống dần hoặc nấu thành cao giúp nhuận tràng, tăng cường chức năng tiêu hóa.
Tổng hợp