Loại rau sống quen thuộc với người Việt có thể ngăn ngừa ung thư, điều hoà đường huyết
Loại rau sống này ngoài tạo hương vị cho nhiều món ăn thì còn có thể cung cấp một số lợi ích bất ngờ cho sức khỏe.
Húng quế, còn gọi là húng chó, là một loại thảo mộc được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực của cả Ý và Đông Nam Á, như các món ăn Việt Nam và Thái Lan. Với mùi thơm đặc trưng và hương vị mạnh mẽ, thiếu húng quế trong các món ăn có thể dễ dàng nhận ra ngay. Trong ẩm thực Việt, húng quế được dùng theo nhiều cách khác nhau, từ việc ăn sống cùng các loại rau thơm như xà lách, kinh giới, bạc hà, tía tô... đến việc trở thành thành phần trong nhiều món ăn, phổ biến nhất là dồi heo, dồi sụn, hay thậm chí trong nhân nem rán (chả giò).
Húng quế không chỉ thêm màu sắc và hương vị cho món ăn mà còn có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe .
Ngăn ngừa ung thư
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2010 trên Tạp chí Sản khoa và Phụ khoa Đài Loan cho thấy húng quế có thể giúp giảm cholesterol, chống ung thư  và tăng cường hệ miễn dịch.
Trong nghiên cứu này, axit caffeic, một hợp chất có trong húng quế, đã được thử nghiệm tại Đại học Y Chung Shan, Đài Trung, Đài Loan và được kết luận là có hiệu quả trong việc chống lại ung thư cổ tử cung.
Ngoài ra, người Ấn Độ coi húng quế là một loại thảo mộc thiêng liêng. Trong nhiều công dụng chữa bệnh của nó, khả năng ngăn ngừa ung thư và bảo vệ tế bào thần kinh được đánh giá cao.
Đặc biệt, thành phần carnosol phong phú trong húng quế đóng vai trò quan trọng trong việc ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư tuyến tiền liệt khi vào cơ thể.
Các nhà khoa học cũng đã phát hiện rằng chiết xuất từ húng quế có thể làm chậm quá trình hình thành khối u gan ở chuột và ngăn chặn sự di căn của bệnh.
Ngoài tác dụng chống viêm, các chất chống oxy hóa trong húng quế còn có khả năng sửa chữa các tế bào bị tổn thương. Chúng thậm chí có thể ngăn chặn các tổn thương tiền ung thư và ức chế sự hình thành khối u.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo không nên lạm dụng tinh dầu húng quế. Mặc dù an toàn khi sử dụng như thực phẩm, tinh dầu húng quế có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư khi sử dụng ở dạng cô đặc.
Điều hòa lượng đường trong máu
Một số nghiên cứu cho thấy rằng việc bổ sung húng quế vào chế độ ăn uống có thể hỗ trợ giảm lượng đường trong máu  cao và giảm bớt những tác động lâu dài của tình trạng này.
Chẳng hạn, các nhà khoa học đã quan sát thấy rằng chiết xuất húng quế giúp giảm đáng kể lượng đường trong máu trên các mô hình phòng thí nghiệm về bệnh tiểu đường. Một nghiên cứu khác, cũng không tiến hành trên người, cho thấy chiết xuất từ húng quế chanh có tác dụng tương tự trong việc kiểm soát đường huyết.
Phòng ngừa bệnh tim
Chất eugenol trong húng quế có khả năng ức chế các kênh canxi, giúp làm giảm huyết áp. Tinh dầu húng quế còn có thể hỗ trợ giảm cholesterol và triglyceride. Bên cạnh đó, húng quế chứa magie, giúp cải thiện lưu lượng máu bằng cách cho phép cơ bắp và mạch máu thư giãn.
Trong y học cổ truyền Trung Quốc, húng quế đã được sử dụng để điều trị các bệnh về tim mạch từ lâu và điều này có cơ sở. Một số nghiên cứu không trên người đã chỉ ra rằng húng quế có thể giúp hạ huyết áp cao và cải thiện mức cholesterol.
Giảm viêm, chống nhiễm trùng
Tinh dầu trong húng quế, bao gồm eugenol, linalool và citronellol, có tác dụng chống viêm trong cơ thể. Những đặc tính này giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm như viêm khớp, bệnh tim và các vấn đề về đường tiêu hóa.
Ngoài ra, húng quế còn có đặc tính kháng khuẩn. Tinh dầu của nó có thể giúp chống lại nhiễm trùng ở đường hô hấp, tiết niệu, bụng, và da.
Húng quế chứa nhiều vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa quan trọng như lutein, zeaxanthin, beta-carotene và beta-cryptoxanthin. Phần lớn những lợi ích sức khỏe mà húng quế mang lại xuất phát từ các chất chống oxy hóa này cùng với tinh dầu có trong lá. Tuy nhiên, khi sấy khô, các hợp chất này phần lớn bị mất đi, vì vậy, để tận dụng tối đa các lợi ích, nên sử dụng húng quế tươi khi có thể.
Các nghiên cứu ban đầu cho thấy việc sử dụng húng quế thường xuyên là an toàn. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung húng quế vào chế độ sinh hoạt, vì vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để xác định các tác dụng phụ tiềm ẩn có thể xảy ra.
Tổng hợp