Loạt địa chỉ chi nhánh sữa giả ở Hòa Bình đã 'gỡ biển, mất tích'
Sau vụ 573 loại sữa giả bị phanh phui, tại Hòa Bình, chỉ sau một một đêm, những địa chỉ được lấy làm chi nhánh của công ty sữa đã không còn dấu vết, có nơi âm thầm gỡ biển báo.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong gần 600 loại sữa giả được tung ra thị trường, chỉ tính riêng năm 2024, 4/11 công ty trong "hệ sinh thái" sản xuất sữa giả đã công bố hàng trăm sản phẩm tại Hòa Bình.
Các công ty gồm: Công ty cổ phần dược quốc tế Rance Pharma; Công ty cổ phần dược dinh dưỡng Hacofood Group; Công ty cổ phần dược quốc tế Big Four Pharma và Công ty cổ phần dinh dưỡng y học BFF.
Theo hồ sơ đăng ký công bố, tự công bố sản phẩm gửi đến Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Hòa Bình, Chi nhánh Hòa Bình - Công ty cổ phần dược dinh dưỡng Hacofood Group, Chi nhánh Hòa Bình - Công ty cổ phần dược quốc tế Rance Pharma có cùng địa chỉ tại số 335 đường Trần Hưng Đạo, phường Quỳnh Lâm, TP. Hòa Bình.

Còn Chi nhánh Hòa Bình - Công ty cổ phần dược quốc tế Big Four Pharma, Chi nhánh Hòa Bình - Công ty CP dinh dưỡng y học BFF có cùng địa chỉ số 10 khu liền kề Dạ Hợp, tổ 12, phường Hữu Nghị, TP. Hòa Bình.
Tuy nhiên, khi phóng viên tìm đến 2 địa chỉ trên ghi nhận không có bất cứ hoạt động nào liên quan đến sản xuất, kinh doanh sữa.
Cụ thể, tại địa chỉ 335 Trần Hưng Đạo (TP Hòa Bình) là một phòng khám phụ sản. Bà Phạm Thị T. (chủ phòng khám) cho biết, đã thuê căn phòng này 6 năm nay. Bà rất bất ngờ khi địa chỉ phòng khám của mình lại bị các công ty trên dùng để đăng ký.
Còn ông Vương Văn Thuần, chủ của căn nhà số 335 (đường Trần Hưng Đạo) cho biết, ông chỉ ký hợp đồng với chủ phòng khám sản phụ là bà T.
Còn khi đến địa chỉ số 10 khu liền kề Dạ Hợp, tổ 12, phường Hữu Nghị (TP. Hòa Bình), phía bên phải cửa nhà có gắn biển 1 công ty xây dựng. Còn phía bên trái cửa có dấu hiệu tấm biển đã tháo gỡ.
Trao đổi với phóng viên, anh Vương (người thuê nhà kế bên) cho biết, ngày hôm qua còn thấy 2 biển hiệu của công ty sữa. Tuy nhiên, sáng nay tấm biển đã biến mất.

Về việc hậu kiểm sản phẩm sữa, bà Bùi Thu Hằng, Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình khẳng định, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Hòa Bình thường xuyên có những đợt kiểm tra, giám sát để phát hiện những vi phạm về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở lưu thông hàng hóa.
Tuy nhiên, những sản phẩm sữa này lại không bán tại cửa hàng tại địa bàn Hòa Bình mà chủ yếu bán online trên các nền tảng mạng xã hội. Đồng thời, cơ sở sản xuất cũng không nằm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình để lấy mẫu nên rất khó trong việc quản lý.
Về quy trình thực hiện thủ tục công bố sản phẩm, bà Hằng cho biết, các doanh nghiệp làm thủ tục công bố sản phẩm trên hệ thống trực tuyến. Sau đó, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Hòa Bình sẽ thực hiện theo quy trình đã xây dựng theo tiêu chuẩn ISO.
Trong vòng 7 ngày làm việc sẽ cấp giấy tiếp nhận bản tự công bố cho doanh nghiệp nếu đúng quy định.
Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp công bố rồi rút hồ sơ công bố là chuyện bình thường vì có thể doanh nghiệp đã dừng sản xuất dòng sữa đó.
>>Sữa giả lọt vào bệnh viện như thế nào, ai biến người tiêu dùng thành 'chuột bạch' bất đắc dĩ?
305 nhãn hiệu sữa giả được đăng ký tại Hòa Bình, cán bộ y tế cũng phát hoảng
Sau Bệnh viện 108, thêm một bệnh viện thu hồi sữa của công ty sản xuất sữa giả