Với nhiều quy định sửa đổi, bổ sung mang tính đột phá, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, Luật Đấu thầu (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ hóa giải tâm lý sợ sai trong mua sắm lĩnh vực y tế…
Theo đó, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật đấu thầu (sửa đổi) với 460/474 đại biểu (đạt tỷ lệ 93,12%). Luật Đấu thầu (sửa đổi) gồm 10 Chương, 96 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024, đáng nói, Luật sửa đổi vừa được thông qua có nhiều điểm mới so với Luật hiện hành.
Cụ thể, về đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu, Luật đã bổ sung điểm a, khoản 2, Điều 2 về hoạt động lựa chọn nhà thầu để thực hiện bao gồm: Các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp do doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Bên cạnh đó, liên quan đến 9 nhóm hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu tại Điều 16, Luật đã bổ sung thêm mục đích của hành vi trong quy định cấm hành vi thông thầu; bổ sung quy định cấm hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh mạng nhằm can thiệp, cản trở việc đấu thầu qua mạng; Luật đã bổ sung vào Điều 23, luật hóa một số trường hợp lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đã được quy định tại Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng hình thức chỉ định thầu…
Đặc biệt, về đấu thầu tập trung, mua thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, Luật đã sử dụng cụm từ “vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế” tại các điều khoản liên quan thay cho cụm từ “thiết bị y tế, vật tư y tế”; về lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, thiết bị y tế (Điều 55), Luật đã bao quát các trường hợp mua hóa chất, thiết bị y tế, trong đó đã quy định rõ việc chuyển giao quyền quản lý sử dụng/chuyển giao quyền sở hữu trong từng trường hợp mua sắm cụ thể. Đây là một mô hình mua sắm trọn gói bao gồm từ hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, bảo hành, bảo dưỡng… cũng như quyền sử dụng thiết bị y tế trong một thời gian nhất định…
Với hàng loạt các sửa đổi, bổ sung mang tính đột phá, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, Luật Đấu thầu (sửa đổi) đem đến nhiều kỳ vọng sẽ giải quyết dứt điểm được các tồn tại, hạn chế trong hoạt động đấu thầu nói chung và tháo gỡ những “bùng nhùng” trong lĩnh vực đấu thầu y tế nói riêng.
Đánh giá về Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được thông qua, nhiều ý kiến cho rằng, sau nhiều năm đi vào cuộc sống, Luật Đấu thầu năm 2013 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện. Đáng nói, Luật Đấu thầu hiện hành có tình trạng e ngại thực hiện vì nhiều quy định cứng, chưa đầy đủ, vô hình trung trở thành yếu tố mang tính rào cản, làm chậm trễ việc hiện thực hóa kế hoạch đầu tư công.
Việc Quốc hội thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi) không chỉ khắc phục những tồn tại, hạn chế trên cơ sở sửa đổi, bổ sung các quy định theo tinh thần vừa bảo đảm tính chặt chẽ, vừa thuận lợi trong áp dụng, mà còn bổ sung nhiều hình thức lựa chọn nhà thầu như: đấu thầu tập trung, đàm phán giá và làm rõ hình thức chỉ định thầu… góp phần tạo thuận lợi cho các chủ thể liên quan trong hoạt động đấu thầu.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Luật Đấu thầu (sửa đổi) được Quốc hội thông qua có những quy định rất rành mạch, cụ thể, nhất là đấu thầu trong trường hợp khẩn cấp, đặc biệt.
“Luật bổ sung một điều quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập của mô hình máy đặt, máy mượn, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc đấu thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật bảo đảm cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả... Tôi cho rằng, đây là một trong những nội dung rất quan trọng trong tổ chức sửa đổi Luật lần này và hy vọng, với việc Luật được thông qua, ngành y tế có thể mua sắm thuốc, trang thiết bị kịp thời để phục vụ người dân”, đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ.
Còn theo đại biểu Nguyễn Tri Thức - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, với nhiều điểm sửa đổi, bổ sung quan trọng, tôi kỳ vọng, khi đi vào thực thi, Luật sửa đổi sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, trong đó có hoạt động mua sắm lĩnh vực y tế.
Vị đại biểu này cho rằng, Luật Đấu thầu 2013 chưa có quy định rõ ràng về việc chỉ định thầu áp dụng trong trường hợp cấp bách trong y tế nên khi thực hiện chỉ định thầu thì các cơ quan hữu quan kiểm tra, thanh tra gây nhiều khó khăn cho nhà quản lý, tạo ra những nguy cơ vô tình vi phạm, nảy sinh tâm lý sợ sai trong mua sắm, dẫn đến thiếu thuốc, thiếu thiết bị y tế như vừa qua. Trong khi, Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã quy định rõ ràng về vấn đề này là điều rất quan trọng.
“Để tháo gỡ, Luật Đấu thầu 2023 đã bổ sung quy định chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để cấp cứu người bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, thiết bị y tế; gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế chỉ có duy nhất một hãng sản xuất trên thị trường do yêu cầu về giải pháp công nghệ để bao quát các trường hợp cấp bách, cấp cứu trong lĩnh vực y tế... những quy định mới này sẽ tháo gỡ cho việc mua sắm cũng như sửa chữa thiết bị y tế”, vị đại biểu này kỳ vọng.
Từ tháng 1/2025, thêm 2 ngành nghề chính thức bị cấm đầu tư kinh doanh ở Việt Nam 
Quốc hội yêu cầu sớm đề xuất mức thuế cao hơn với người nhiều nhà đất