Lý giải nguyên nhân thu ngân sách của ngành Hải quan gặp khó khăn
Mặc dù ngành Hải quan đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhưng kết quả thu ngân sách nhà nước (NSNN) 11 tháng của năm 2023 vẫn chỉ đạt 79,9% dự toán, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm 2022. Theo Tổng cục Hải quan, nguyên nhân giảm thu là do kim ngạch nhập khẩu có thuế của một số mặt hàng chính giảm.
Kim ngạch nhập khẩu 3 nhóm mặt hàng chính giảm
Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu  (XNK) cả nước trong 11 tháng của năm 2023 ước đạt 619,17 tỷ USD, giảm 8,3% (tương ứng giảm 55,75 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhập khẩu (NK) 11 tháng ước đạt 296,67 tỷ USD, giảm 10,7% (tương ứng giảm 35,63 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022 và xuất khẩu (XK) ước đạt 322,5 tỷ USD, giảm 5,9% (tương ứng giảm 20,12 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, cán cân thương mại 11 tháng của năm 2023 ước tính xuất siêu 25,82 tỷ USD.
Trước tình hình kim ngạch ở cả 2 chiều XK và NK đều giảm đã dẫn đến công tác thu của ngành Hải quan gặp nhiều khó khăn. Thống kê tính đến hết ngày 5/12, toàn Ngành thu nộp NSNN đạt 339.369 tỷ đồng, bằng 79,9% dự toán, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Đánh giá về nguyên nhân giảm thu, Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch NK có thuế giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2022 đã dẫn đến kết quả thu NSNN còn nhiều hạn chế. Cụ thể, một số nhóm, mặt hàng chính là nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng NK phục vụ sản xuất như: than, hóa chất và sản phẩm hóa chất, chất dẻo, sắt thép, nguyên phụ liệu dệt may, linh kiện điện tử, linh kiện ô tô… đạt trị giá 64,3 tỷ USD, chiếm 57% tổng kim ngạch NK có thuế, giảm 16,7%, làm giảm thu ngân sách khoảng 32.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.
Ở nhóm xăng dầu NK, do tác động ưu đãi về thuế suất NK xăng từ thị trường ASEAN là 5%, dầu DO và dầu FO là 0%, các DN chủ yếu NK từ ASEAN thay vì NK từ Hàn Quốc với mức thuế suất xăng là 8%. Do đó, trong 11 tháng chỉ đạt 7,6 triệu tấn, trị giá đạt 6,3 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng nhưng giảm 1,4% về trị giá, làm giảm thu khoảng 2.400 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Còn tại nhóm ô tô nguyên chiếc NK 11 tháng đầu năm đạt 110.771 chiếc, trị giá 2,6 tỷ USD, giảm 26,8% về lượng và giảm 22,8% về trị giá, làm giảm thu khoảng 4.700 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Chỉ tính riêng số thu ngân sách trong tháng 11/2023, toàn Ngành thu đạt 32.699 tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng 10. Nguyên nhân được cho là một số mặt hàng NK có kim ngạch tăng so với tháng 10 như: than NK tăng 34,6% về lượng và tăng 36,7% về trị giá, làm tăng thu 503 tỷ đồng; sắt thép các loại tăng 18,1% về lượng và tăng 13,2% về trị giá, làm tăng thu 216 tỷ đồng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 19,8% về trị giá, làm tăng thu 194 tỷ đồng.
(TyGiaMoi.com) - Hầu hết các cục Hải quan có số thu ngân sách giảm mạnh
Theo Tổng cục Hải quan, dự toán thu của 10 cục hải quan tỉnh, thành phố có số thu NSNN lớn chiếm 87% dự toán thu của toàn Ngành. Tuy nhiên, tính đến hết ngày 30/11, số thu NSNN của 10 cục hải quan tỉnh, thành phố này chỉ đạt 294.613 tỷ đồng, bằng 79,12% dự toán được giao, giảm 14,54% so với cùng kỳ năm 2022.
Hầu hết các đơn vị chiếm số thu lớn có số thu lũy kế giảm so với cùng kỳ phải kể đến như: Cục Hải quan Đồng Nai chỉ đạt 17.074 tỷ đồng, bằng 74,72% dự toán và giảm 22,21% so với cùng kỳ năm 2022; Cục Hải quan Thanh Hóa thu đạt 14.664 tỷ đồng, bằng 108,62% dự toán và giảm 21,5% so với cùng kỳ.
Hay như Cục Hải quan Bình Dương 11 tháng năm 2023 chỉ thu đạt 14.705 tỷ đồng, bằng 72,80% dự toán và giảm 18,39% so với cùng kỳ; Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu thu đạt 15.499 tỷ đồng, bằng 71,42% dự toán và giảm 17,15% so với cùng kỳ; Cục Hải quan Hải Phòng thu đạt 60.007 tỷ đồng, bằng 75,10% dự toán và giảm 17,45% so với cùng kỳ.
Chỉ có riêng Cục Hải quan Quảng Ninh có kết quả thu tăng 4,51% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tính đến ngày 30/11, Cục Hải quan Quảng Ninh thu đạt 15.722 tỷ đồng, đạt 136,72% dự toán và tăng 4,51% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng cuối cùng của năm, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị bám sát chỉ đạo của Bộ Tài chính để kịp thời hoàn thiện dự thảo: Thông tư sửa đổi Thông tư 184/2015/TT-BTC về việc quy định thủ tục về kê khai, bảo lãnh tiền thuế, thu nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, tiền phí, lệ phí, các khoản thu khác, đối với hàng hóa XK, NK, quá cảnh và phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; Thông tư sửa đổi Thông tư 178/2011/TT-BTC hướng dẫn về việc tạo, phát hành, sử dụng và quản lý Biên lai thu thuế, lệ phí hải quan đối với hàng hóa XNK của các DN kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh đường hàng không quốc tế.
Đồng thời, hoàn thiện nội dung dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 1810/QĐ-TCHQ ngày 15/6/2018 về việc ban hành Quy trình kiểm tra, tham vấn và xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa XNK trong quá trình làm thủ tục hải quan.
Định kỳ đánh giá tình hình thực hiện công tác giá tại các cục hải quan thông qua Hệ thống cơ sở dữ liệu giá GTT02 và báo cáo của đơn vị để chỉ đạo kịp thời những sai sót phát sinh.
Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị tích cực triển khai hướng dẫn xử lý vướng mắc thực hiện Luật Quản lý thuế, Luật Thuế XK, thuế NK, Nghị định 134/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 18/2021/NĐ-CP; Nghị định 126/2020/NĐ-CP; Nghị định 15/2022/NĐ-CP; Thông tư 06/TT-BTC; Luật Thuế Giá trị gia tăng, Thuế Tiêu thụ đặc biệt, Thuế Bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Hơn 7.500 tỷ đồng hàng hóa vi phạm bị phát hiện trong quý 3/2024 
'Vua hàng hiệu' Johnathan Hạnh Nguyễn đề xuất 6 giải pháp quan trọng với ngành Hải quan