Mẹ chồng không trông cháu nội, quyết đi làm giúp việc chăm sóc cháu nhà khác, con dâu liền nói một câu dập tan ‘lời ra tiếng vào’
Chẳng hiểu vì sao, mọi người luôn thích khích bác, kích động với những lời lẽ khó nghe khiến tôi bực bội, mệt mỏi.
Tôi và chồng cùng quê Hà Tĩnh nhưng sau khi kết hôn làm việc, sinh sống ở Hà Nội. Lúc tôi mang thai, mẹ chồng  luôn "rào trước đón sau" sẽ không trông cháu vì còn bận công việc bán hàng ở chợ, đồng áng nên nhờ hết bà ngoại. Vợ chồng tôi chỉ biết im lặng.
Lúc sinh con, tôi về quê ở 4 tháng, đến thời điểm trở lại thành phố làm việc, tôi nhờ mẹ đẻ đi cùng ra Hà Nội trông cháu. Lúc con được một tuổi, bà ngoại  có việc gấp nên phải về quê. Con còn quá nhỏ, không an tâm để đi gửi trẻ nên vợ chồng tôi chạy đôn chạy đáo tìm người trông con. Điều đáng nói, dù hỏi khắp mọi người họ hàng từ nội đến ngoại nhưng chẳng có ai đồng ý vì đều bận việc.
Bất đắc dĩ, chồng tôi gọi điện về nhờ bà nội ra trông hộ cháu một vài tháng, con bé cứng cáp hơn sẽ cho đi nhà trẻ. Thế nhưng, mẹ chồng tôi đáp lại gay gắt: "Con thấy mẹ có đi được không? Còn hàng quán ở chợ, còn đồng áng, còn gà vịt ngoài vườn. Bao nhiêu công việc như thế nào làm sao bỏ mà đi trông cháu được". Lúc chồng tôi gọi nhờ bà nội tôi không hề biết. Đến lúc không còn cách nào khác, tôi nhắc anh gọi điện nhờ bà nội mới nghe chồng kể lại. Tôi điếng người nhưng cố giữ bình tĩnh, không thể hiện ra mặt điều gì.
May mắn, nhờ những người hàng xóm giới thiệu, chúng tôi tìm được một bà trông trẻ ngay cạnh nhà. Tôi quyết định gửi con. Sáng dậy sớm nấu cháo cho con rồi mang sang gửi bà nhờ cho ăn trưa. Chiều đi làm về đón con. Thấm thoắt, con bé cũng cứng cáp để đi nhà trẻ.
Điều đáng nói, khi con bé được 3 tuổi, mẹ chồng tôi lại bắt đầu dò hỏi về việc sẽ nghỉ bán hàng để đi làm giúp việc. Bà than thở rằng công việc buôn bán khó khăn, không có khách, ế hàng không có tiền chi tiêu. Vợ chồng tôi im lặng.
Một ngày nọ, bà mừng rỡ báo tin đã tìm được một gia đình thuê người trông trẻ nhỏ. Em bé 6 tháng tuổi và cần người chăm nom cho đến khi đủ tuổi đi nhà trẻ. Chồng tôi hỏi về việc hàng quán, bà bảo sẽ thanh lý hết hàng, bán hết gà vịt để đi làm giúp việc. Chỉ trong vòng 3 ngày, mẹ chồng tôi đã giải quyết tất cả mọi thứ từ hàng hóa, gà vịt đến đồng ruộng. Nghe bà vui mừng kể trong điện thoại, tôi chỉ biết cười chua xót. Nhớ đến khi vợ chồng tôi gặp khó khăn, nhờ bà ra trông cháu bà từ chối thẳng thừng vì còn lo cho gà vịt, lợn, chó mèo rồi bán hàng. Thế mà, chỉ khi nghe đến có người thuê giúp việc, bà đã gói ghém xong xuôi mọi việc chỉ trong vài ba ngày để kịp thời gian người ta yêu cầu.
Chưa kể, mẹ chồng tôi còn hỏi với sang tôi rằng có nhờ vả chuyện gì không, nếu không thì để bà đi làm. Tôi nói thẳng rằng bà cứ đi thôi, con tôi đã lớn, đi nhà trẻ hơn 1 năm nên bà không cần trông nom nữa.
Từ lúc mẹ chồng tôi đi làm giúp việc , mỗi lần về quê, tôi đều nghe rất nhiều lời dị nghị, bàn ra bàn vào rằng bà nội không trông cháu nội nhưng lại vội vàng đi chăm cháu nhà người khác. Tôi cũng chỉ im lặng, không nói, không đưa thêm ý kiến gì vì dù sao cũng trong một nhà. Việc những bà hàng xóm "tam sao thất bản" chẳng còn là điều xa lạ với tôi, thế nên tôi tránh hết những ồn ào không đáng có.
Tôi cứ tưởng im lặng mọi thứ sẽ xong xuôi. Thế nhưng, mẹ chồng tôi luôn kể lể về việc chăm những đứa trẻ khác rồi áp lên tôi. Bà chê con tôi gầy, lười ăn, ba mẹ ngày càng tăng cân nhưng con không lớn. Chưa kể, bà còn nói rằng bà chăm đứa bé kia rất kỹ lưỡng, tắm không được để nước vào tai, chiều nào cũng bế đi khắp làng để ép đứa nhỏ ăn được nhiều cơm khiến tôi vô cùng khó chịu. Quá bực bội, tôi nói với bà rằng tôi đi làm 7h tối mới về, nếu bà muốn cháu nội ăn nhiều, bế bồng đi rong để ép ăn cứ nói với con trai bà, ba nó sẽ có trách nhiệm bắt ép nó ăn.
Mẹ chồng tôi lảng sang chuyện khác rồi đi ra ngoài. Bản thân tôi không quá trách móc việc bà không trông cháu nội. Trước nay, tôi vẫn nghĩ rằng con mình sinh ra, mình phải là người có trách nhiệm trước tiên. Nếu bà nội hay ngoại có thương con cháu, hỗ trợ trông cháu thì tốt còn không thì không thể trách. Vì thế, thời điểm vất vả tìm người trông con, lúc đường cùng tôi mới gợi ý nhờ bà nội. Khi bà không đồng ý, tôi cũng không nửa lời trách móc, kể lể điều gì, chỉ tự biết bản thân cố gắng để vừa tìm được chỗ gửi con để đi làm. Lúc bà nói sẽ đi làm giúp việc, tôi cũng không ngăn cản hay nói điều gì khó nghe. Thế nhưng chẳng hiểu vì sao mọi người luôn thích khích bác, kích động tôi.
Một lần khác, khi đang đi chợ, một người bạn hàng rất thân thiết với mẹ chồng tôi níu tay tôi lại để buôn chuyện. Ban đầu, tôi cũng chịu khó đứng lại trả lời, lắng nghe. Nhưng xuyên suốt câu chuyện vẫn là việc mẹ chồng tôi vì tiền mà không trông cháu nội, chỉ trông cháu nhà khác. Tôi càng nghe càng khó chịu nhưng vẫn giữ thái độ nhã nhặn, nói với bà: “Nhà cháu chưa đủ kinh tế để lo cho bà nội, bà đi làm có thêm đồng ra đồng vào, bà tự do chi tiêu, thế cũng là nghĩ cho con cái. Nếu các bà cứ nói với cháu chuyện này thì thôi, lần cháu sau xin phép không nghe”. Nói xong, tôi đi thẳng, mặc kệ bà ấy muốn nghĩ gì thì nghĩ.