Miền Nam Việt nam sẽ có thêm 2 thành phố trực thuộc Trung ương
Theo quy hoạch hệ thống đô thị, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có thêm 8 thành phố trực thuộc Trung ương.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024, phê duyệt quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, 5 đô thị trực thuộc Trung ương gồm: Thủ đô Hà Nội, TP. HCM sẽ là đô thị loại đặc biệt; Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng sẽ là đô thị loại I.
8 tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Bình Dương (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại I).
Như vậy, đến năm 2030, miền Nam Việt Nam sẽ có thêm 2 thành phố trực thuộc Trung ương là Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bình Dương
Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có cửa ngõ giao thương với TP. HCM.
Vài năm trở lại đây, Bình Dương luôn đứng trong top đầu cả nước về thu hút FDI. Với tốc độ các khu công nghiệp mọc lên như "vũ bão", Bình Dương được xem là "mảnh đất màu mỡ" được nhiều doanh nghiệp FDI quan tâm vào đầu tư vào logistics.
Theo như báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng như dựa vào các chỉ số GDP bình quân đầu người năm 2023 thì tỉnh Bình Dương là tỉnh giàu nhất Việt Nam với mức GDP bình quân đầu người đạt 113 triệu đồng/người/năm.
Theo quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt 15.800 USD.
>> 4 tỉnh miền Bắc sắp 'cất cánh' lên thành phố trực thuộc Trung ương 
Bà Rịa - Vũng Tàu
Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh nhỏ nhất Đông Nam Bộ với diện tích 1.987km2.
Theo quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ trở thành một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng của vùng Đông Nam Bộ. Trước năm 2025, thị xã Phú Mỹ cần trở thành thành phố trực thuộc tỉnh trước năm 2025 và là thành phố thứ 3 của tỉnh (sau TP. Bà Rịa, TP. Vũng Tàu) giữ vai trò trung tâm công nghiệp, cảng biển quốc tế, dịch vụ, du lịch. Đặc biệt, sau năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, địa phương tiếp tục là điểm đến thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tính đến hết tháng 7/2024, tỉnh đã vượt kế hoạch thu hút vốn đầu tư của cả năm.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút hơn 1,7 tỷ USD vốn FDI và hơn 27.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2023, đạt 101% kế hoạch cả năm.
Về vốn FDI, tháng 7/2024, tỉnh đã cấp mới 1 dự án trị giá 5,5 triệu USD và điều chỉnh tăng vốn cho 3 dự án với 89 triệu USD. Lũy kế 7 tháng, địa phương đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 34 dự án...
Đón thêm 46 dự án, tỉnh miền Bắc trở thành 'ngôi sao' mới về thu hút FDI 
Chỉ trong 4 ngày nghỉ lễ 2/9, hơn 1.200 tỷ 'chảy' về thành phố đáng sống nhất Việt Nam