Miền Trung Việt Nam sắp có thêm một thành phố trực thuộc Trung ương
Nếu địa phương này lên TP trực thuộc Trung ương, khu vực Trung Bộ sẽ có ba thành phố trực thuộc trung ương liền kề.
UBND tỉnh Quảng Nam vừa gửi công văn đến các sở, ban, ngành, địa phương và liên danh tư vấn quy hoạch, yêu cầu khẩn trương triển khai các nội dung của Quy hoạch tỉnh Quảng Nam  giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư cập nhật và tổng hợp đầy đủ báo cáo, bản đồ, sơ đồ liên quan đến hồ sơ quy hoạch tỉnh, và trình UBND tỉnh trước ngày 15/8. Đồng thời, Sở cần tiếp thu ý kiến từ các bộ, ngành Trung ương để hoàn thiện dự thảo Kế hoạch thực hiện quy hoạch và sớm tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Theo quy hoạch tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2030 đã được phê duyệt với các mục tiêu, đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của cả nước, là trung tâm tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Quảng Nam sẽ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, phát triển mạnh các lĩnh vực hàng không, cảng biển, logistics, du lịch, công nghiệp cơ khí ô tô, chế tạo và điện khí.
Tỉnh cũng sẽ hình thành các trung tâm công nghiệp dược liệu, chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp và silica có tầm quốc gia. Quảng Nam sẽ đầu tư vào cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao, gìn giữ nền văn hóa bản sắc, và nâng cao chất lượng cơ sở y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc gia. Mục tiêu là xây dựng hệ thống đô thị đồng bộ và kết nối chặt chẽ với khu vực nông thôn.
Dự kiến, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 sẽ đạt trên 8% mỗi năm. Đặc biệt, tỉnh sẽ đầu tư để Cảng hàng không Chu Lai đạt tiêu chuẩn quốc tế với quy mô cấp 4F, và Cảng biển Quảng Nam đạt tiêu chuẩn loại I, có khả năng tiếp nhận tàu đến 50.000DWT. Tất cả các trục giao thông quốc lộ, tỉnh lộ và các trục giao thông quan trọng sẽ được nâng cấp và mở rộng theo quy hoạch. Hơn 60% các trục đường chính trong đô thị sẽ được hoàn thiện.
Giao thông đường thủy nội địa sẽ được đảm bảo thông suốt, đạt chuẩn tắc luồng, đặc biệt trên các sông Trường Giang, Cổ Cò, Thu Bồn, và Vĩnh Điện. Tỉnh cũng dự kiến phát triển một số loại hình giao thông thông minh.
Đến năm 2050, tỉnh Quảng Nam hướng tới phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững, với bản sắc văn hóa đặc trưng của Xứ Quảng. Tỉnh phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương, đóng góp lớn cho ngân sách trung ương và là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng, khai thác tối đa giá trị di sản văn hóa thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Quảng Nam sẽ xây dựng cơ cấu nền kinh tế hài hòa, tự chủ và cạnh tranh cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng sẽ đồng bộ và hiện đại, và phát triển kinh tế - xã hội sẽ hài hòa giữa đô thị và nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm chất lượng môi trường.
Nếu Quảng Nam trở thành thành phố trực thuộc trung ương, khu vực Trung Bộ sẽ có ba thành phố trực thuộc trung ương liền kề: Thừa Thiên - Huế (dự kiến thành phố vào năm 2025), TP. Đà Nẵng và TP. Quảng Nam (trong tương lai).
Quảng Nam là một tỉnh ven biển nằm ở cực Bắc của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, thuộc vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung. Đây cũng là một trong số ít địa phương trên cả nước sở hữu sân bay, cảng biển, đường sắt và quốc lộ.
Hiện nay tỉnh Quảng Nam đang có duy nhất một sân bay là Cảng hàng không Chu Lai - thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai.
Trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 655 được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 16/7/2024, sân bay Chu Lai nằm trong quy hoạch cảng hàng không quốc tế.
Sân bay Chu Lai được xem là động lực phát triển của 2 khu kinh tế mở Chu Lai và Dung Quất. Hoạt động bay tại Cảng hàng không Chu Lai đã và đang gắn kết chặt chẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi nói riêng và cả khu vực nói chung.
>> Shark Hưng chỉ ra dấu hiệu kết thúc của một chu kỳ bất động sản Việt Nam