Sự cố MoMo bảo trì hệ thống dẫn đến gián đoạn dịch vụ ngày 19/10 là khởi nguồn loạt tin đồn hệ thống bị hack, gây ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến doanh nghiệp này.
Ngày 19/10, MoMo tiến hành công tác bảo trì hệ thống. Trong quá trình triển khai, có dẫn đến việc gián đoạn dịch vụ và ảnh hưởng đến các giao dịch của khách hàng. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia, sự cố đã được xử lý dứt điểm trong ngày 19/10, công tác bảo trì đã được hoàn thành, tất cả các dịch vụ của MoMo đã trở lại hoạt động bình thường trong chiều cùng ngày. Các thông tin về tài khoản và tài sản trên MoMo của khách hàng vẫn được đảm bảo an toàn tuyệt đối.
“Trong những ngày gần đây, chúng tôi chứng kiến sự lan truyền nhiều thông tin sai lệch và không có cơ sở trên mạng xã hội liên quan đến việc gián đoạn dịch vụ của MoMo. Chúng tôi khẳng định tất cả những thông tin này là giả, được cố tình bịa đặt với mục đích xấu, nhằm gây tác động không tốt đến khách hàng và ảnh hưởng xấu đến hình ảnh doanh nghiệp. Việc đưa thông tin giả, không đúng sự thật được coi là hành vi vu khống, gây xói mòn niềm tin của xã hội và náo loạn thị trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự và uy tín của doanh nghiệp, các đối tác, cũng như niềm tin của người dùng”, đại diện MoMo nói.
Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập MoMo, cho biết: “Những năm gần đây tin giả đã trở thành vấn đề nhức nhối, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân, doanh nghiệp và cả xã hội. Đặc biệt, các doanh nghiệp là đối tượng rất dễ bị tổn thương, bị tác động tiêu cực đến kinh doanh khi các tin giả được lan truyền với mục đích công kích, phá hoại. Nhiều doanh nghiệp dù đã được “minh oan” nhưng vẫn phải chịu hậu quả rất nặng nề. Tin giả như một loại virus nguy hiểm, âm thầm thâm nhập vào xã hội, gây nhiễu dư luận, tạo ra những ảnh hưởng xấu đối với con người, doanh nghiệp và cả xã hội mà chúng ta phải mất nhiều thời gian để phục hồi. Chúng tôi rất mong tình trạng này sớm được chấm dứt nhờ vào sự chung tay của chính quyền, các cơ quan chức năng, báo chí,… cũng như sự sàng lọc và kiểm chứng nguồn tin của người dùng mạng xã hội".
"Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp các cơ quan chức năng điều tra đối với những cá nhân, tổ chức phát tán tin đồn và thông tin giả mạo. MoMo cũng mong muốn người dùng thận trọng trước những tin đồn thất thiệt và có những đánh giá đầy đủ, khách quan, chính xác về hoạt động doanh nghiệp", đại diện MoMo cho biết thêm.
Phát biểu tại sự kiện "Chiến dịch Tin" mới đây, nhằm cung cấp những thông tin, kỹ năng cơ bản để người sử dụng mạng xã hội có thể nhận biết, phát hiện, phòng tránh tin giả, thông tin xấu độc, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) Lê Quang Tự Do cho biết, vấn nạn tin giả, tin sai sự thật ai cũng có thể đã từng gặp phải. Hiện nay, có một biển thông tin, rất nhiều nội dung trên mạng có khả năng là tin giả, làm sao phân biệt được tin giả, đó chính là mục tiêu của chiến dịch này.
Ngoài ra, chiến dịch còn nhằm tạo ra sân chơi lành mạnh khuyến khích người sử dụng Internet có thể sáng tạo, sản xuất nội dung tích cực cho cộng đồng với chủ đề "Anti Fake News"; tôn vinh nhà sáng tạo nội dung trên mạng.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho hay, hiện nay các cơ quan chức năng vẫn đang xử lý vấn nạn tin giả để bảo vệ người dân trên không gian số an toàn, lành mạnh. Tuy nhiên, đây là công việc cần phải huy động tổng hợp các nguồn lực trong xã hội.
Từ đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm bày tỏ niềm tin vào cộng đồng những người sử dụng mạng xã hội có ảnh hưởng và là ảnh hưởng tích cực, sẽ phát huy ảnh hưởng của mình, đồng hành cùng cơ quan quản lý của Đảng và Nhà nước trong lan tỏa những giá trị tốt đẹp, truyền thông chính sách đến người dân thông qua cách thích hợp nhất với cộng đồng tiếp cận và sử dụng thông tin trên mạng xã hội.