Một căn bệnh ung thư 'tấn công' gần 25.000 người Việt Nam mỗi năm, 22.500 trường hợp tử vong: Hiệu quả điều trị phụ thuộc nhiều vào việc chẩn đoán sớm hay muộn
Đáng chú ý, dù ở giai đoạn sớm, căn bệnh ung thư này vẫn có khả năng tái phát trong vòng 2 năm sau mổ.
Theo báo Dân trí, vào ngày 10/1, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) đã tổ chức hội thảo Cập nhật chẩn đoán và điều trị ung thư phổi trong thực hành lâm sàng. Tại hội nghị, TS.BS Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thông tin rằng ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong số các bệnh ung thư. Tương tự như các bệnh ung thư khác, khả năng sống của bệnh nhân ung thư  phổi, hiệu quả điều trị phụ thuộc nhiều vào việc chẩn đoán sớm hay muộn.
Cũng theo TS.BS Dương Đức Hùng, trong những năm gần đây, lĩnh vực ung thư nói riêng, ung thư phổi nói chung đã có nhiều tiến bộ trong công tác chẩn đoán, điều trị. Điều này đã góp phần vào việc thay đổi bức tranh về bệnh, kéo dài cuộc sống của bệnh nhân.
Thông tin tại hội nghị, TS.BS Đào Văn Tú - Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K, cho biết thêm, trên thế giới, ung thư phổi hiện là loại ung thư đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc và đứng đầu về tỷ lệ tử vong.
Đặc biệt, một điều đáng lưu ý là dù ở giai đoạn sớm thì vẫn có khoảng trên 80% tái phát xảy ra trong vòng 2 năm sau mổ. Trong đó, tái phát di căn xa thường gặp hơn tái phát tại chỗ. Chính vì vậy, chiến lược điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn sớm cần tối ưu hóa lợi ích của việc kết hợp phẫu thuật và điều trị toàn thân.
Thống kê của tổ chức ung thư toàn cầu Globocan cho biết rằng mỗi năm tại Việt Nam ghi nhận gần 25.000 ca mắc ung thư phổi mới và 22.500 ca tử vong. Tỉ lệ mắc ung thư phổi cao thứ hai, chỉ sau ung thư gan. Tuy nhiên, một điều đáng nói là hiện chỉ có 25% -30% người bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Điều này làm giảm hiệu quả điều trị  và tăng chi phí điều trị.