Một ngày đầy sóng gió của Nvidia: Nhận trát hầu tòa, vốn hóa ‘bốc hơi’ gần 300 tỷ USD - cao nhất lịch sử chứng khoán Mỹ
Gã khổng lồ chip AI đang đứng trước những thách thức pháp lý nghiêm trọng khi Bộ Tư pháp Mỹ mở rộng cuộc điều tra chống độc quyền đối với công ty này.
Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) mới đây đã gửi lệnh triệu tập hầu tòa tới Nvidia  và nhiều công ty khác, một động thái đánh dấu bước leo thang mới nhất trong cuộc điều tra chống độc quyền đối với nhà cung cấp chip AI khổng lồ này.
Theo Reuters, giới chức Mỹ lo ngại rằng Nvidia đang gây khó khăn cho những khách hàng muốn chuyển đổi sang nhà cung cấp khác. Đồng thời, có cáo buộc cho rằng công ty này đã đưa ra biện pháp trừng phạt những khách hàng không sử dụng độc quyền chip AI  của họ.
Cổ phiếu Nvidia đã giảm 2,5% trong phiên giao dịch ngoài giờ ngày 3/9 sau khi chứng kiến đợt bán tháo kỷ lục khiến 279 tỷ USD vốn hóa "bốc hơi" tại phiên giao dịch cùng ngày. Đây là mức giảm giá trị thị trường lớn nhất trong một ngày từ trước đến nay của một công ty Mỹ.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu vẫn tăng gấp đôi trong năm nay nhờ đà tăng giá chóng mặt được thúc đẩy bởi kỳ vọng về AI.
Trong khi đó, phía Nvidia khẳng định vị thế thống trị thị trường của công ty xuất phát từ chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu suất nhanh hơn.
Họ tuyên bố: “Nvidia giành chiến thắng nhờ những giá trị mang lại cho khách hàng của chúng tôi, những người có thể lựa chọn bất kỳ giải pháp nào phù hợp nhất với họ”.
Không chỉ tập trung vào hoạt động kinh doanh hiện tại của Nvidia, cuộc điều tra của DOJ còn mở rộng đến những thương vụ mua bán gần đây.
Theo đó, cơ quan quản lý đang xem xét thương vụ mua lại RunAI của Nvidia - một công ty phần mềm quản lý điện toán AI do nghi ngờ rằng liệu sự hợp tác này có thể khiến khách hàng khó chuyển đổi khỏi chip Nvidia hơn hay không.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng đang tìm hiểu xem Nvidia có cung cấp nguồn cung và giá ưu đãi cho những khách hàng chỉ sử dụng công nghệ của công ty hoặc mua toàn bộ hệ thống của công ty hay không.
Sự thành công của các sản phẩm chip AI của Nvidia đã biến công ty này trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng của một số tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới.
Ví dụ, Microsoft và Meta Platforms chi hơn 40% ngân sách của họ cho thiết bị của nhà sản xuất chip Mỹ. Trong thời điểm tình trạng thiếu hụt lên tới đỉnh điểm, một con chip H100 của Nvidia có thể được bán với giá lên tới 90.000 USD.
Các nhà phân tích dự đoán Nvidia sẽ đạt doanh thu 120,8 tỷ USD vào năm 2024, tăng vọt từ 16 tỷ USD của năm 2020. Trên thực tế, Nvidia dự kiến năm 2024 sẽ đạt lợi nhuận cao hơn cả doanh thu của đối thủ cạnh tranh là Advanced Micro Devices.
Theo Reuters
>> Nhìn lại phiên giao dịch Nvidia khiến thị trường châu Á chao đảo, cổ phiếu Samsung và SK 'vạ lây'