Mực nước của con sông đi qua 9 tỉnh, thành của Việt Nam đang cao đến mức báo động
Dòng sông này bắt nguồn từ dãy Ngụy Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), có chiều dài gần 1.200km, trong đó đoạn chảy qua Việt Nam dài hơn 550km.
Hà Nội, thành phố nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, luôn gắn liền với dòng sông lớn nhất miền Bắc. Sông Hồng, giống như dòng sông mẹ, đã bồi đắp phù sa cho vùng đất này suốt hàng thế kỷ, tạo nên sự trù phú cho đất đai, thảm thực vật và góp phần quan trọng trong việc hình thành không gian văn hóa Hà Nội.
Tuy nhiên, hiện nay, mực nước sông Hồng  đang ở mức báo động sau những ngày mưa lớn do ảnh hưởng từ cơn bão số 3, gây ra tình trạng ngập úng ở một số nơi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.
Đặc điểm và vai trò của sông Hồng
Sông Hồng là một trong những con sông lớn của thế giới, xếp thứ 26 toàn cầu và thứ 12 tại châu Á.
Dòng sông này bắt nguồn từ dãy Ngụy Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), có chiều dài gần 1.200km, trong đó đoạn chảy qua Việt Nam dài hơn 550km, qua 9 tỉnh thành gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định và đổ ra Biển Đông tại cửa Ba Lạt (Nam Định).
Đặc điểm địa hình của sông Hồng có xu hướng dốc lớn ở thượng nguồn và dốc nhẹ hơn ở hạ nguồn, dẫn đến hiện tượng nước lên nhanh và rút chậm trong mùa mưa lũ.
Hàng năm, sông Hồng đổ ra biển từ 120-160km3 nước và mang theo một lượng phù sa khổng lồ, ước tính từ 50-130 triệu tấn, đứng thứ 12 trong số các con sông có lượng phù sa nhiều nhất thế giới.
Tình hình mực nước sông Hồng và lệnh báo động lũ
Do ảnh hưởng từ cơn bão số 3 , mưa lớn kéo dài những ngày qua đã khiến mực nước sông Hồng dâng cao, gây ngập úng ở một số khu vực của Thủ đô Hà Nội.
Vào trưa ngày 10/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội đã ra lệnh báo động cấp độ 1 tại các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên cùng các huyện Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm. Tại thời điểm 11 giờ 10 phút cùng ngày, mực nước đo được tại trạm Long Biên là 9,5m, đúng bằng mức báo động cấp độ 1.
Trước đó, vào lúc 9 giờ sáng cùng ngày, lệnh báo động cấp độ 1 cũng đã được ban hành tại các xã ven đê thuộc các huyện Thường Tín và Phú Xuyên, khi mực nước sông Hồng tiếp tục dâng cao. Lệnh này yêu cầu tất cả các cơ quan, ban ngành liên quan cùng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai các quận, huyện thi hành nghiêm túc các biện pháp ứng phó lũ lụt.
Theo Quyết định số 05/2020/QĐ-TTg của Chính phủ, mực nước sông Hồng tại Long Biên sẽ được báo động theo ba cấp: báo động cấp 1 là 9,5m, cấp 2 là 10,5m và cấp 3 là 11,5m. Tối 10/9, trao đổi với báo chí, ông Vũ Đức Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý Dự báo, Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, mực nước sông Hồng, đoạn qua Hà Nội dự báo có thể lên mức báo động 2 trong khoảng từ 12 đến 24 giờ tới.
Trước tình hình này, nhiều hộ dân sống gần bờ sông Hồng đã nhanh chóng di tản tài sản và phương tiện đến nơi an toàn. Các gia đình gần khu vực sông cũng khẩn trương thu dọn đồ đạc và tạm thời chuyển đến nhà người thân để tránh tình trạng mực nước tiếp tục dâng cao và gây thiệt hại thêm.