Muốn loại bỏ ưu đãi thuế, siêu cường châu Âu đối mặt nguy cơ giới siêu giàu tháo chạy
Thụy Sĩ, Monaco, Ý, Hy Lạp, Malta, Dubai và vùng Caribbean đang nổi lên như những lựa chọn hấp dẫn cho các nhà đầu tư giàu có.
Nghiên cứu mới của Oxford Economics cho thấy, nếu Đảng Lao động loại bỏ ưu đãi thuế thời thuộc địa, gần 63% nhà đầu tư giàu có sẽ rời khỏi Vương quốc Anh trong vòng hai năm tới. Thậm chí, 67% nhà đầu tư giàu có cho biết họ sẽ không di cư đến Anh nếu chính sách này được thực hiện.
Chế độ không cư trú là một quy định về thuế của Anh có từ 200 năm trước, theo đó cho phép những người sống tại Anh nhưng có hộ khẩu ở nước khác không phải trả thuế thu nhập và thu nhập từ vốn ở nước ngoài trong tối đa 15 năm. Tính đến năm 2023, ước tính có 74.000 người được hưởng chế độ này, tăng so với 68.900 người trong năm 2022.
Tháng trước, Đảng Lao động công bố kế hoạch xóa bỏ tình trạng "không cư trú", mở rộng cam kết trong cương lĩnh bầu cử. Thủ tướng Keir Starmer nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện công bằng xã hội và củng cố tài chính công. Chi tiết kế hoạch sẽ được công bố trong tuyên bố ngân sách mùa Thu ngày 30/10.
Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves dự kiến việc bãi bỏ chương trình có thể tạo ra 2,6 tỷ bảng Anh (3,45 tỷ USD) trong nhiệm kỳ tiếp theo. Tuy nhiên, nghiên cứu của Oxford Economics cùng nhóm vận động Các Nhà Đầu Tư Nước Ngoài tại Anh ước tính thay đổi này có thể khiến người nộp thuế mất 1 tỷ bảng vào năm 2029, 2030.
"Đây là thời điểm nguy hiểm và chúng tôi đang báo động", Macleod-Miller, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Các Nhà Đầu Tư Nước Ngoài tại Anh chia sẻ. "Nếu Chính phủ không lắng nghe, họ có thể đánh mất nguồn thu quan trọng trong nhiều thập kỷ tới".
Theo kế hoạch đề xuất, khái niệm "nơi cư trú" sẽ bị loại bỏ và được thay bằng hệ thống dựa trên cư trú. Đồng thời, thời gian miễn thuế thu nhập từ nước ngoài tại Anh sẽ giảm từ 15 xuống còn 4 năm.
Cá nhân sẽ chịu thuế thừa kế sau 10 năm cư trú tại Anh và tiếp tục chịu trách nhiệm trong 10 năm sau khi rời khỏi. Họ cũng không thể tránh thuế thừa kế đối với tài sản trong quỹ tín thác. Tuy nhiên, Macleod-Miller, một chuyên gia về tài sản tư nhân, người đã thành lập nhóm vận động này để phản đối các đề xuất, cho rằng những thay đổi sẽ cản trở sự phát triển tài sản, và ông đang kêu gọi áp dụng một chế độ thuế theo từng bậc.
Điểm đến của giới siêu giàu
Trong khi đó, các quốc gia khác đang thay đổi chế độ thuế để khuyến khích các nhà đầu tư giàu có . Theo các chuyên gia và đại lý trong ngành, Thụy Sĩ, Monaco, Italy, Hy Lạp, Malta, Dubai và đảo Bahamas thuộc vùng Caribe là một số điểm đến hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư giàu có.
Helena Moyas de Forton, giám đốc điều hành khu vực EMEA và APAC của Christie's International Real Estate, nhận định: "Nhà đầu tư giàu có hiện có nhiều lựa chọn, và các quốc gia đang cạnh tranh để thu hút họ".
Theo báo cáo hồi tháng 6 của Henley & Partners, số lượng triệu phú rời khỏi Anh năm nay dự kiến sẽ tăng kỷ lục. Cuộc tổng tuyển cử tháng 7 càng làm gia tăng bất ổn chính trị hậu Brexit. Ước tính, Vương quốc Anh sẽ mất tới 9.500 triệu phú trong năm nay, gấp đôi so với năm ngoái.
"Đây thực sự là một mối nguy", Marcus Meijer, CEO của công ty đầu tư bất động sản Mark nói. "Việc thay đổi quy chế "không thường trú” cùng với sự linh hoạt của thị trường hiện nay khiến việc di dời của các triệu phú trở nên dễ dàng hơn."
Monaco, Malta và Gibraltar nổi tiếng với chính sách miễn thuế thừa kế vô thời hạn, thu hút đông đảo giới siêu giàu. Dubai còn hấp dẫn hơn với việc miễn thuế thu nhập, lợi nhuận từ vốn và thuế thừa kế . Ý và Hy Lạp cũng không kém cạnh khi cung cấp chế độ thuế cố định hấp dẫn, cho phép người giàu đóng một khoản phí hàng năm tối đa 100.000 euro trong 15 năm để được miễn thuế cho toàn bộ tài sản.
Tuy nhiên, tháng trước, Ý đã tăng gấp đôi mức phí này lên 200.000 euro, một động thái nhằm hạn chế việc ưu đãi quá mức cho nhóm người giàu có. Dù vậy, theo chuyên gia Macleod-Miller, chế độ thuế mới của Ý vẫn đủ sức hấp dẫn giới siêu giàu, đặc biệt là khi so sánh với các lựa chọn khác. Ông cho rằng nhiều quốc gia đang cạnh tranh nhau để thu hút giới siêu giàu, bởi họ tin rằng việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm người này sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế.
Bất động sản cao cấp tại Anh đối mặt với khó khăn
Thị trường bất động sản cao cấp tại Anh đang đối mặt với những biến động đáng kể. Theo James Myers, Giám đốc của công ty môi giới bất động sản hạng sang Oliver James tại London, hoạt động giao dịch tăng mạnh trước cuộc bầu cử tháng 7, tuy nhiên hiện tại, khoảng 30-40% khách hàng đang phải giảm giá bán để thúc đẩy giao dịch. Myers chia sẻ rằng nhiều người đang tỏ ra lo ngại và muốn bán nhà trước khi thị trường trở nên ảm đạm hơn. Đáng chú ý, nhiều khách hàng triệu phú và tỷ phú của ông đã chuyển hướng đầu tư sang các thị trường khác như Monaco, Dubai và gần đây là Ý.
Thị trường nhà ở siêu cao cấp tại London đang chứng kiến sự giảm sút đáng kể. Theo báo cáo mới nhất của Knight Frank, các giao dịch đối với bất động sản trị giá từ 10 triệu bảng Anh trở lên đã giảm 22% trong năm tính đến tháng 7. Sự sụt giảm này đặc biệt rõ nét ở phân khúc trên 30 triệu bảng Anh, với số lượng giao dịch giảm hơn 70%.
Nguyên nhân chính được cho là do tâm lý chờ đợi của người mua, đặc biệt là các công dân siêu giàu của Anh. Họ đang thận trọng trước những thay đổi tiềm năng về chính sách thuế.
Tuy nhiên, sự giảm sút này lại tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư khác, như công dân Mỹ và những người có thời gian cư trú ngắn hạn tại Anh. Việc cạnh tranh giảm đi đã khiến thị trường trở nên hấp dẫn hơn đối với những người này.
Theo CNBC
>> Đức thắt chặt kiểm soát biên giới, ngăn làn sóng di cư và khủng bố