Muốn tinh gọn bộ máy, phải tránh 'tách ra nhập vào, nhập vào tách ra'
Muốn tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phải bám sát yêu cầu “lấy hiệu quả làm chính, gắn tổ chức với cán bộ”, không sắp xếp bằng mọi giá; tránh làm đi làm lại, tách ra rồi lại nhập vào, nhập vào rồi lại tách ra.
LỜI TÒA SOẠN - DIỄN ĐÀN KỶ NGUYÊN MỚI
Sau khi được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 3/8/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có những phát biểu chỉ đạo quan trọng trên các lĩnh vực.
Cụ thể, qua ba bài viết gần đây như “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ngày 4/8; “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới” ngày 2/9 và “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới” ngày 16/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thường xuyên nhắc đến các khái niệm “khởi điểm mới”, “kỷ nguyên mới”, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đánh giá những thời cơ, thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức về tình hình trong nước, khu vực và thế giới, Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền để đưa dân tộc tiếp tục tiến lên đang đặt ra cấp bách”.
Đặc biệt, đây cũng là định hướng lớn đã được Hội nghị Trung ương 10 thống nhất trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội 14 của Đảng.
Đồng hành cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, Báo VietNamNet mở diễn đàn "Kỷ nguyên mới của dân tộc", ngõ hầu mang đến các bài viết, những tiếng nói, góp ý của các nhân sĩ, trí thức, bạn đọc gần xa về con đường và cách thức vươn mình của dân tộc Việt Nam...
Một trong những nội dung quan trọng được Hội nghị Trung ương 10 nhất trí cao trong các nhóm vấn đề lớn để tiếp tục hoàn thiện văn kiện trình Đại hội 14 của Đảng là tiếp tục tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Trong đó, tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của Đảng để những cơ quan này thực sự là hạt nhân trí tuệ, là “bộ tổng tham mưu”, đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước.
Đây cũng là thông điệp đáng chú ý trong bài viết "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
(TyGiaMoi.com) - Nên tăng chuyên gia, giảm hành chính, sự vụ
Chia sẻ với VietNamNet, GS.TS. Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương (người trực tiếp tham gia Tổ biên tập Văn kiện Đại hội 14 và các Đại hội 11, 12, 13) nhấn mạnh, việc cơ cấu, đổi mới tổ chức bộ máy là tư tưởng lớn của Đảng.
Hội nghị Trung ương 6 khóa 12 đã ban hành Nghị quyết 18/2017 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và thời gian qua, chúng ta thực hiện khá tích cực.
Tuy nhiên, thực tiễn sắp tới yêu cầu, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục sắp xếp bộ máy tinh gọn một cách kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn.
Theo tinh thần đó, Hội nghị Trung ương 10 yêu cầu tiếp tục xây dựng, tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, thông suốt, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; trong đó có nhấn mạnh đến việc tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của Đảng.
Theo GS.TS. Phùng Hữu Phú, ngoài việc lưu ý các tổ chức Đảng phải gương mẫu, phải sắp xếp lại, Trung ương cũng đặc biệt nhấn mạnh việc sắp xếp, tinh gọn nhưng phải đảm bảo vị trí của các tổ chức của Đảng phải thật sự là “bộ tổng tham mưu”, là cơ quan định hướng và dẫn dắt của toàn hệ thống chính trị.
Do đó tinh gọn trên cơ sở phải làm sao đảm bảo đề cao và phát huy tốt vai trò của các cơ quan Đảng. Từ đó, chúng ta phải rà soát lại chức năng, nhiệm vụ xem chỗ nào trùng lặp thì giải quyết. Trọng tâm chính là vừa sắp xếp bộ máy nhưng cũng tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ.
“Các cơ quan Đảng là bộ tổng tham mưu, là cơ quan chiến lược mang tính chất dẫn dắt, định hướng cho nên đội ngũ cán bộ phải là đội ngũ cán bộ tầm chiến lược”, GS.TS. Phùng Hữu Phú nhấn mạnh.
Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, thời gian tới các cơ quan cần rà soát, cơ cấu lại để xem xét tăng số lượng chuyên gia, giảm bớt số lượng hành chính, sự vụ. Đồng thời kết nối liên thông giữa các cơ quan làm sao cho thông suốt, đồng bộ, tạo thành sức mạnh tổng hợp.
“Đây là một tư tưởng hoàn toàn đúng đắn, phù hợp. Nếu tổ chức Đảng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy tốt vai trò của mình sẽ tạo hiệu ứng rất tốt, động viên, cổ vũ và hướng dẫn các tổ chức khác trong hệ thống chính trị tiếp tục rà soát để tinh gọn hơn, thông suốt hơn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn”, ông Phú nhận định.
(TyGiaMoi.com) - Bộ máy gọn mà cán bộ không giỏi lên thì cũng vô nghĩa
Theo ông Phùng Hữu Phú, việc tinh gọn bộ máy lần này cần thực hiện sắp xếp tổ chức trong từng cơ quan và cả toàn khối các cơ quan trên cơ sở hoàn thiện mô hình tổng thể của hệ thống chính trị, đảm bảo khoa học, đồng bộ, bền vững.
Theo đó, có thể rà soát trong từng cơ quan một và có thể rà soát giữa các cơ quan xem chỗ nào trùng lặp, chồng chéo thì tính toán, sắp xếp lại.
“Nguyên tắc là tránh trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ; tinh gọn và tập trung vào những bộ phận thật cần thiết, đúng trọng tâm, đúng vai thuộc bài. Khi thực hiện phải xuất phát từ chức năng là các cơ quan tham mưu chiến lược để tính toán, tổ chức hợp lý, cơ cấu cán bộ hợp lý chứ không phải sắp xếp cơ học”, GS.TS. Phùng Hữu Phú nói.
Thực tiễn thời gian qua nhiều nơi đã thí điểm một số mô hình theo Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 6, khóa 12 nhưng sau đó dừng lại vì nghiên cứu chưa kỹ.
“Đây là vấn đề rất khó, rất khoa học cho nên phải nghiên cứu rất bài bản, chắc chắn, nhất là khi liên quan đến hệ thống cơ cấu chức năng. Việc này đòi hỏi phải có sự đồng bộ, thông suốt, nếu không nghiên cứu kỹ, ách tắc một khâu thôi sẽ khó thành công”, ông Phú lưu ý.
Do đó, theo GS.TS. Phùng Hữu Phú, muốn tinh gọn bộ máy vừa phải kiên quyết làm nhưng phải nghiên cứu rất bài bản, khoa học, làm bước nào chắc bước đó, tránh sự đảo lộn không cần thiết, tránh làm đi làm lại, tách ra rồi lại nhập vào, nhập vào rồi lại tách ra.
“Cái gì làm đi làm lại cũng khó nhưng đặc biệt là tổ chức cán bộ mà làm đi làm lại là tác động rất lớn”, ông Phú nhấn mạnh.
Vì vậy, GS.TS. Phùng Hữu Phú cho rằng, sắp xếp tổ chức bộ máy bao giờ cũng phải đi đôi với quy hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ. Từng bước đi, cách làm phải luôn luôn bám sát yêu cầu “lấy hiệu quả làm chính, gắn tổ chức với cán bộ” chứ không phải sắp xếp bằng mọi giá.
“Làm sao khi sắp xếp xong, bộ máy gọn hơn, hiệu quả hơn, cán bộ trưởng thành hơn. Gọn nhưng hiệu quả, không hiệu quả thì gọn cũng vô ích. Gọn mà cán bộ không giỏi lên thì vô nghĩa”, ông Phú phân tích.
Tổ chức, sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc và nâng cao trình độ cán bộ. Ba khâu này phải đi với nhau, còn nếu chỉ nhấn vào một khâu là hỏng.
PGS.TS. Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký kiêm Ủy viên Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, thực hiện Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 6, khóa 12, nhiều địa phương đã thực hiện thí điểm một số mô hình.
Cụ thể, có 11 tỉnh, thành thí điểm nhập 3 văn phòng (ĐBQH, HĐND, UBND) làm một văn phòng. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn thì thấy rằng 3 văn phòng này không thể gộp chung với nhau được. Vì vậy, Bộ Chính trị đã có văn bản yêu cầu tạm dừng thí điểm mô hình này.
Một số tỉnh cũng thí điểm ở cấp huyện nhập phòng tổ chức với Phòng Nội vụ; Ủy ban Kiểm tra với Ban Kiểm tra. Một số tỉnh thì nhập Sở Kế hoạch Đầu tư với Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải với Sở Xây dựng.
Việc thực hiện tinh thần của Nghị quyết Trung ương 6, khóa 12 bên cạnh một số mặt đạt được cũng có một số mô hình thí điểm phải dừng lại.
PGS.TS. Nguyễn Viết Thông cho rằng, nguyên nhân sâu xa là hiện nay chúng ta chưa có một nhận thức rõ ràng về mô hình tổng thể của hệ thống chính trị. Mặc dù vấn đề này đến nhiệm kỳ này đã có 3 đề tài nghiên cứu cấp nhà nước ở 3 giai đoạn. Nhưng vận dụng kết quả nghiên cứu này vào thực tiễn cũng chưa được tốt.
Đây là vấn đề rất hệ trọng. Phải tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy ở cả Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội chứ không chỉ là tổ chức Đảng. Phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để tạo ra một bộ máy trơn tru.
“Nói như Bác Hồ, tất cả những bánh xe trong chiếc đồng hồ phải trơn tru với nhau thì đồng hồ mới chạy được, chứ còn một cái bánh xe khập khiễng thì đồng hồ đó không chạy được”, PGS.TS. Nguyễn Viết Thông nói.
Theo ông, đây cũng là vấn đề chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn, để tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trở nên tối ưu hơn.
>> Tổng Bí thư: Tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của đảng, thực sự là “bộ tổng tham mưu”