Thế giới

Mỹ ‘giáng đòn’ dầu Nga khiến nền kinh tế lớn thứ ba châu Á đối diện ‘cú sốc’ không tưởng

Bích Ngọc 17/01/2025 19:04

Những ngày Ấn Độ mua được dầu Nga với giá rẻ có thể sắp kết thúc.

“Cú sốc dầu mỏ”

Các chuyên gia phân tích nhận định rằng các lệnh trừng phạt toàn diện của Mỹ nhằm vào các công ty năng lượng và nhà vận hành tàu chở dầu của Nga sẽ làm gia tăng thách thức cho Ấn Độ trong việc duy trì nguồn nhập khẩu dầu thô giá rẻ từ Nga. Nó đồng thời có thể khiến lạm phát tại nền kinh tế lớn thứ ba châu Á leo thang.

Bob McNally, Chủ tịch Tập đoàn Năng lượng Rapidan, nhận định rằng Ấn Độ có khả năng đối mặt với một "cú sốc dầu mỏ". Ông giải thích: "Ấn Độ sẽ chịu tác động nặng nề hơn so với Trung Quốc từ các lệnh trừng phạt, bởi lượng dầu mà Ấn Độ nhập khẩu từ Nga lớn hơn đáng kể so với Trung Quốc".

Tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ thông báo áp lệnh trừng phạt đối với 200 thực thể và cá nhân trong ngành dầu khí của Nga, bao gồm hai nhà sản xuất dầu Gazprom Neft và Surgutneftegas. Lệnh trừng phạt cũng được áp đặt với 183 tàu mà Moscow sử dụng để vận chuyển dầu đi khắp thế giới. Tuy nhiên, các tàu bị trừng phạt này vẫn được phép vận chuyển và dỡ hàng dầu thô đến ngày 12/3.

Từ tháng 4 đến tháng 11 năm 2024, Ấn Độ đã nhập khẩu tới 88% lượng dầu cần thiết, với khoảng 40% nguồn cung đến từ Nga, theo dữ liệu từ công ty phân tích Kpler. Trong số 183 tàu bị áp lệnh trừng phạt, có 75 tàu từng vận chuyển dầu Nga đến Ấn Độ.

Aldo Spanier, chiến lược gia hàng hóa cao cấp tại BNP Paribas, cho biết: "Phần lớn dầu này đã được chuyển đến các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ, vì vậy tác động sẽ là lớn nhất đối với quốc gia này".

Mỹ ‘giáng đòn’ dầu Nga khiến nền kinh tế lớn thứ ba châu Á đối diện ‘cú sốc’ không tưởng - ảnh 1
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) trò chuyện với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái)

Các lệnh trừng phạt cũng được đưa ra vào thời điểm Ấn Độ được dự báo sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới vào năm 2025, chiếm 25% tổng mức tăng trưởng tiêu thụ dầu toàn cầu.

Nhu cầu ngày càng tăng đối với nhiên liệu vận tải và nhiên liệu nấu ăn tại nhà sẽ thúc đẩy mức tăng trưởng 330.000 thùng mỗi ngày trong năm nay - mức tăng cao nhất trong số các quốc gia, theo dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ.

Cũng theo dữ liệu mới nhất của EIA, Ấn Độ đã tiêu thụ 5,3 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2023 và mức tiêu thụ này dự kiến sẽ tăng thêm 220.000 thùng mỗi ngày vào năm ngoái.

Vào năm 2021, dầu Nga chỉ chiếm 12% trong tổng lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ. Tuy nhiên, đến năm 2024, tỷ lệ này đã tăng mạnh lên 37,6%. Cuộc xung đột với Ukraine đã làm giảm đáng kể giá dầu Nga, tạo điều kiện cho Ấn Độ mua dầu với giá thấp từ các công ty không bị trừng phạt.

Tuy nhiên, nếu Ấn Độ hoàn toàn tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ, lượng dầu Nga nhập khẩu có thể giảm đến 500.000 thùng/ngày, theo dự báo từ Rystad Energy.

Các nhà nhập khẩu ở Ấn Độ có thể sẽ phải chuyển sang các nhà cung cấp thay thế từ Trung Đông. Tuy nhiên, giá dầu từ khu vực này không rẻ như dầu Nga. Giá dầu Brent gần đây đã tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng qua, đạt khoảng 80 USD/thùng.

Ngoài ra, khi lễ nhậm chức của ông Donald Trump đang đến gần, nguồn cung dầu thô giá rẻ từ Iran cũng đối mặt với nguy cơ bị trừng phạt nghiêm ngặt hơn. Theo báo cáo của EIA công bố năm ngoái, Iran chiếm 4% sản lượng dầu thế giới vào năm 2023.

Helima Croft, Giám đốc chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets, cho biết: "Đây là một đòn giáng kép đối với Ấn Độ vì Iran có thể sẽ phải đối mặt với áp lực trừng phạt mới từ chính quyền của ông Trump sắp tới".

Goldman Sachs cho biết nếu các lệnh trừng phạt mới kết hợp với việc hạn chế dầu thô từ Iran, giá dầu Brent có thể tăng lên mức 90 USD/thùng.

Tác động kinh tế

Nền kinh tế Ấn Độ dễ bị tổn thương trước sự biến động giá dầu. Một nghiên cứu của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ vào năm 2019 cho thấy rằng mỗi khi giá dầu tăng thêm 10 USD, lạm phát có thể tăng lên 0,4%.

Áp lực này càng gia tăng khi đồng rupee Ấn Độ yếu đi và chi phí vận chuyển dầu tăng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn làm giảm lợi nhuận của các công ty nếu họ không thể chuyển gánh nặng chi phí cho khách hàng.

Nếu Chính phủ can thiệp để giảm tác động lên người dân, tài chính quốc gia sẽ phải chịu áp lực nặng nề hơn. Ấn Độ đã từng chứng kiến các cuộc biểu tình lớn vào năm 2018 do giá nhiên liệu cao. Với tình hình biến động hiện tại, nguy cơ xảy ra các cuộc biểu tình tương tự không thể loại trừ.

Theo CNBC

>> Vượt Đức-Nhật, nền kinh tế châu Á này sẽ đứng thứ ba thế giới vào năm 2029?

Huy động 10.000 người xử lý thảm họa tràn dầu, Nga nâng cấp tình trạng khẩn cấp sau 10 ngày

Ông Putin ví Oreshnik là 'cột mốc lịch sử', kho dầu Nga liên tiếp bị tấn công

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/my-giang-don-dau-nga-khien-nen-kinh-te-lon-thu-ba-chau-a-doi-dien-cu-soc-khong-tuong-134995.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Mỹ ‘giáng đòn’ dầu Nga khiến nền kinh tế lớn thứ ba châu Á đối diện ‘cú sốc’ không tưởng
    POWERED BY ONECMS & INTECH