Mỹ quyết dồn toàn lực để tái cấu trúc chuỗi cung ứng ngành chip, Việt Nam là một 'mắt xích' quan trọng
Mỹ đang quyết tâm thực hiện kế hoạch đầu tư táo bạo và toàn diện nhằm chiến thắng trong cuộc đua chuỗi cung ứng ngành chip.
Theo tờ New York Times, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang triển khai chiến lược tái cấu trúc chuỗi cung ứng chip nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan đến Trung Quốc. Kế hoạch này bao gồm hai yếu tố chính: thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất chip tại Hoa Kỳ và phát triển mạng lưới đối tác quốc tế để lắp ráp và đóng gói sản phẩm cuối cùng.
Mục tiêu là tăng cường sản xuất chip tại các bang như Texas và Arizona. Sau đó, các linh kiện này sẽ được chuyển đến các quốc gia đối tác như Costa Rica, Việt Nam hoặc Kenya để hoàn thiện và phân phối toàn cầu. Đây là những con chip sẽ vận hành thiết bị trong nhiều lĩnh vực từ gia dụng đến công nghệ cao, từ tivi tủ lạnh tới siêu máy tính quốc phòng.
Chiến lược này, được gọi là "ngoại giao chip", nhằm đảm bảo sự thịnh vượng và an ninh quốc gia cho Mỹ. Tổng thống Biden đã nhiều lần nhấn mạnh thành công ban đầu của chiến lược này khi thu hút được khoản đầu tư hàng tỷ USD từ Hàn Quốc vào ngành công nghiệp chip Mỹ trong cuộc phỏng vấn với ABC News.
Bên cạnh đó, chính quyền đang tích cực hợp tác với các đối tác quốc tế để đảm bảo tính bền vững của các khoản đầu tư vào Hoa Kỳ. Nỗ lực này không chỉ nhằm giảm bớt những lo ngại về an ninh liên quan đến Trung Quốc - quốc gia đang đẩy mạnh sản xuất chip và nhạy cảm với đảo Đài Loan, trung tâm công nghệ của ngành chip toàn cầu - mà còn giúp giảm thiểu rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, vốn đã trở nên rõ ràng sau đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine.
Ramin Toloui, cựu trợ lý ngoại trưởng Cục Kinh tế và Kinh doanh thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nhấn mạnh: 'Mục tiêu là mở rộng năng lực ở nhiều quốc gia khác nhau để tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu'. Chiến lược này không chỉ áp dụng cho chip mà còn cho công nghệ năng lượng xanh như pin xe điện, tấm pin mặt trời và tuabin gió - các lĩnh vực gần như bị thống trị bởi hàng Trung Quốc giá rẻ tràn lan trên thị trường.
Chính quyền ông Biden xem sự thống trị của Trung Quốc trong các ngành này là vấn đề an ninh quốc gia và liên quan đến cả nhân quyền, đặc biệt khi nhắc tới chuỗi sản xuất ngành dệt may ở Tân Cương. Để giải quyết vấn đề này, Washington đã tích cực thu hút các nguồn vốn nước ngoài khổng lồ cho chuỗi sản xuất - cung ứng trong nước.
Trong ba năm qua, Hoa Kỳ đã thu hút được 395 tỷ USD đầu tư nước ngoài vào sản xuất chất bán dẫn và 405 tỷ USD cho công nghệ xanh và năng lượng sạch. Các nhà đầu tư chủ yếu đến từ các quốc gia châu Á và châu Âu có nền công nghiệp công nghệ phát triển. Ví dụ, SK Hynix của Hàn Quốc đang xây dựng nhà máy trị giá 3,8 tỷ USD tại bang Indiana, dự kiến tạo ra hơn 1.000 việc làm.
Tiến trình này sẽ tiếp tục được xúc tiến bất chấp kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới. Hiện nay, bộ trưởng Ngoại giao Antony J. Blinken nhấn mạnh vai trò của các chính sách mới trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Đồng thời, Bộ Thương mại Mỹ  Gina Raimondo cũng vừa thông báo giải ngân 50 tỷ USD cho các công ty và tổ chức Mỹ để nghiên cứu, phát triển và sản xuất chip, góp phần củng cố chuỗi cung ứng chip quốc gia.
Bộ trưởng Thương mại Raimondo đang chỉ đạo các dự án nghiên cứu về chuỗi cung ứng chip toàn cầu, xác định lỗ hổng và thúc đẩy cơ hội đầu tư quốc tế.
Trong chuyến công du đến Costa Rica vào mùa xuân năm ngoái, bà đã gặp gỡ các quan chức địa phương và lãnh đạo Intel, công ty đang vận hành một nhà máy tại đây. Bà cũng thảo luận về việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng chất bán dẫn trong các chuyến thăm Panama và Thái Lan.
Tuy nhiên, việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu  để giảm phụ thuộc vào Đông Á là một thách thức lớn. Các nhà máy ở Đông Á có công nghệ tiên tiến hơn, đội ngũ kỹ sư lớn hơn và chi phí thấp hơn. Đài Loan hiện sản xuất hơn 60% chip của thế giới và gần như độc quyền các loại chip tiên tiến nhất. Trong khi đó, ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ có thể thiếu hụt tới 90.000 lao động trong những năm tới.
Mặc dù vậy, với hàng tỷ USD đầu tư mới, thị phần sản xuất chip toàn cầu của Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng từ 10% hiện nay lên 14% vào năm 2032, theo báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn và Boston Consulting Group.
Chính quyền Biden cũng đang thực hiện các biện pháp ngăn chặn Trung Quốc phát triển công nghệ chip tiên tiến. Alan Estevez, người đứng đầu cơ quan kiểm soát xuất khẩu thuộc Bộ Thương mại, đã thăm Nhật Bản và Hà Lan để thuyết phục họ hạn chế bán công nghệ tiên tiến cho Trung Quốc.
Đồng thời, Bộ Ngoại giao và các chuyên gia Bộ Thương mại Mỹ đang bắt tay nhau để có được các khoản đầu tư “siêu lợi nhuận” từ nước ngoài cho ngành công nghiệp nội địa của Mỹ và thiết lập các nhà máy tạo thành điểm cuối của chuỗi cung ứng. Giáo sư Ramin Toloui cho biết nhóm chuyên gia của ông đóng góp một phần trong việc tham mưu cho Tổng thống Biden ban hành các Đạo luật cơ sở hạ tầng và Đạo luật CHIPS .
Đạo luật CHIPS và Khoa học (CHIPS and Science Act) là một phần quan trọng trong chiến lược của Mỹ nhằm tăng cường vị thế trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Các điểm chính của Đạo luật CHIPS bao gồm cung cấp tài trợ khổng lồ cho ngành sản xuất chip. Điều này nhằm khuyến khích các công ty nước ngoài và nội địa xây dựng nhà máy sản xuất, đồng thời 13,2 tỷ USD được phân bổ cho nghiên cứu và phát triển cũng như đào tạo lực lượng lao động.
Đạo luật cũng cung cấp tín dụng thuế đầu tư 25% cho các dự án sản xuất chip và khuyến khích hợp tác với các đối tác quốc tế để đa dạng hóa chuỗi cung ứng chip toàn cầu.
Một phần quan trọng của ngân sách được dành để thành lập chương trình đào tạo kỹ năng và đặc biệt thu hút lực lượng nhân tài trong ngành công nghiệp bán dẫn  toàn cầu.
Các quốc gia đang tham gia chương trình của Mỹ bao gồm Costa Rica, Indonesia, Mexico, Panama, Philippines, Việt Nam và Kenya. Chính phủ Mỹ hiện nay đang tập trung vào trao cơ hội đào tạo nghề, hợp tác với các trường đại học như Đại học bang Arizona và Đại học Quốc gia Việt Nam tại TP.HCM để phát triển chương trình hợp tác đào tạo quốc tế .
Martijn Rasser, giám đốc điều hành của Datenna Inc., nhận định rằng mạng lưới liên minh này là lợi thế chiến lược của Hoa Kỳ so với Trung Quốc. Mặc dù Mỹ sẽ không thể đi một mình trên con đường phát triển chuỗi cung ứng.
Với sức lan tỏa trên toàn cầu nhiều hơn so với vài thập kỷ trước, nhiều quốc gia thuộc nhóm "cường quốc tầm trung" ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng chip và sẽ trở thành những điểm sáng trong bản đồ hợp tác chiến lược của Mỹ trong tương lai gần.
Theo New York Times
Tám ông lớn Nhật Bản chi hơn 30 tỷ USD để giành lại vị thế dẫn đầu ngành chip 
Một trong bốn 'con rồng' kinh tế châu Á bơm 19 tỷ USD cho ngành chip