Mỹ siết chặt kiểm soát, ngân hàng trung ương khu vực siết giao dịch USD: Iran mất ‘phao cứu sinh’ kinh tế?
Động thái này diễn ra sau cuộc họp của Bộ Tài chính Mỹ tại Dubai.
Ngân hàng trung ương Iraq sẽ cấm thêm 5 ngân hàng trong nước tham gia các giao dịch bằng USD, Reuters dẫn nguồn tin quen thuộc với vấn đề cho biết.
Quyết định này được đưa ra sau các cuộc họp tại Dubai giữa Ngân hàng Trung ương Iraq (CBI) với Bộ Tài chính Mỹ và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhằm tăng cường các biện pháp chống rửa tiền, buôn lậu USD và các hành vi vi phạm khác.

5 ngân hàng bị cấm gồm Al-Mashreq Al-Arabi Islamic, United Bank for Investment, Al Sanam Islamic, Misk Islamic và Amin Iraq For Islamic Investment and Finance, cùng với 3 công ty dịch vụ thanh toán là Amawl, AL-Saqi Payment và Aqsa Payment.
Ngân hàng Trung ương Iraq cho biết, các ngân hàng bị cấm giao dịch bằng USD vẫn có thể hoạt động bình thường và thực hiện giao dịch bằng các loại tiền tệ khác. Tuy nhiên, lệnh cấm này hạn chế khả năng giao dịch bằng USD của họ, gây khó khăn cho phần lớn các hoạt động tài chính bên ngoài Iraq.
Đáng chú ý, năm ngoái, CBI đã cấm 8 ngân hàng trong nước giao dịch bằng USD
Là một đồng minh hiếm hoi của cả Mỹ và Iran, với hơn 100 tỷ USD dự trữ tại Mỹ, Iraq phụ thuộc nhiều vào thiện chí của Washington để đảm bảo quyền tiếp cận nguồn thu từ dầu mỏ và tài chính không bị chặn.
Tuy nhiên, quốc gia sản xuất dầu lớn thứ hai OPEC có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào đầu tháng này về việc khôi phục chính sách "gây sức ép tối đa" đối với Iran.
Iran  coi Iraq là "lá phổi kinh tế" và có ảnh hưởng đáng kể về quân sự, chính trị và kinh tế. Ngoài ra, nước này cũng thu ngoại tệ mạnh từ Iraq bằng việc xuất khẩu và tránh lệnh trừng phạt của Mỹ thông qua hệ thống ngân hàng.
Hồi tháng 12, Reuters đã tiết lộ một mạng lưới buôn lậu dầu tinh chế, giúp Iran và các lực lượng ủy nhiệm thu về ít nhất 1 tỷ USD mỗi năm, hoạt động mạnh mẽ kể từ khi Thủ tướng Mohammed Shia al-Sudani nhậm chức năm 2022.
Các quan chức phương Tây từng đánh giá cao sự hợp tác của Thủ tướng Sudani trong việc thực hiện các cải cách kinh tế và tài chính nhằm hạn chế khả năng Iran và đồng minh tiếp cận đồng USD. Tuy nhiên, áp lực có thể gia tăng sau khi chính quyền Trump  quay trở lại.
Theo Reuters
Tờ Bloomberg hé lộ thời điểm Mỹ muốn đạt được lệnh ngừng bắn 
Ông Trump đổi ý, Mỹ “lật kèo” hợp đồng 400 triệu USD với Tesla