Mỹ tung động thái liên tiếp có thể 'giáng đòn' trực diện vào trụ cột trọng yếu của kinh tế Nga
Một số nguồn tin cho biết Mỹ đang cân nhắc các lệnh trừng phạt mới nhằm vào đội tàu chở dầu mà Nga sử dụng để vận chuyển dầu của mình.
Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Janet Yellen cho biết Mỹ đang xem xét áp đặt các hạn chế mới đối với xuất khẩu năng lượng của Nga.
“Điều khác biệt trong thời điểm này là thị trường dầu mỏ dường như đang được cung cấp đủ. Giá cả tương đối thấp, nhu cầu toàn cầu giảm và nguồn cung đã tăng lên đáng kể”, bà Yellen cho biết.
Theo đó, thị trường dầu mỏ toàn cầu đang chịu áp lực từ nguồn cung dồi dào và lo ngại về nhu cầu, một phần do nền kinh tế suy yếu của Trung Quốc.
Các nhà phân tích tại Macquarie dự báo một "thặng dư lớn" vào năm tới, do tăng trưởng nguồn cung từ các quốc gia ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và tốc độ tăng trưởng của nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ (hoặc năng lượng nói chung) thấp hơn so với mức trung bình.
Giá dầu thô Brent tương lai quốc tế đã giảm 4% tính từ đầu năm đến nay, trong khi giá dầu thô West Texas Intermediate tương lai của Mỹ giảm 1% trong cùng kỳ.
"Vì vậy, thị trường dầu toàn cầu đang trong tình trạng yếu hơn, điều này có thể tạo cơ hội để chúng tôi thực hiện thêm các biện pháp", bà Yellen nói.
Thậm chí, một số nguồn tin cho biết Mỹ cũng đang cân nhắc các lệnh trừng phạt mới nhằm vào đội tàu chở dầu mà Nga sử dụng để vận chuyển dầu của mình. Theo đó, các lệnh trừng phạt mới có thể được công bố trong những tuần tới.
Phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitry Peskov, phản ứng trước thông tin này bằng cách cho rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden sắp mãn nhiệm sẽ để lại "di sản khó khăn" trong quan hệ Mỹ - Nga, theo hãng thông tấn nhà nước TASS.
Mỹ đang gia tăng áp lực lên nguồn thu từ năng lượng của Nga. Vào tháng 11, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên Gazprombank, tổ chức tài chính lớn cuối cùng của Nga được miễn trừ khỏi các hạn chế. Ngân hàng này đóng vai trò xử lý các giao dịch quốc tế lớn, bao gồm cả các giao dịch từ lĩnh vực dầu khí.
Những diễn biến này đánh dấu sự thay đổi so với lập trường mà Mỹ đã duy trì kể từ khi xung đột giữa Nga  và Ukraine  xảy ra, khi Nhóm G7 và các đồng minh áp đặt mức giá trần cho dầu Nga và hạn chế khả năng tiếp cận của Nga đối với các dịch vụ bảo hiểm, môi giới và vận tải biển của phương Tây.
Các biện pháp này đã giúp thị trường năng lượng toàn cầu hoạt động ổn định - tránh được cú sốc giá và lạm phát - nhưng vẫn hạn chế được nguồn thu từ dầu mỏ của Nga.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn cung dầu toàn cầu dồi dào và nhu cầu suy giảm, nguy cơ tăng giá cũng giảm, ngay cả khi sản lượng dầu của Nga không còn trên thị trường.
Trước lệnh trừng phạt của phương Tây đối với ngành năng lượng, Nga đã bán phần lớn dầu của mình cho Ấn Độ và Trung Quốc. Tháng 11 vừa qua, doanh thu từ dầu mỏ của Nga giảm 21% so với cùng kỳ năm trước, một phần do giá năng lượng yếu.
Theo BI
Nghị sĩ Nga đề xuất cấp quyền công dân, đưa cựu tổng thống Syria đến Mariupol 
Nga sẽ đáp trả vụ tấn công bằng ATACMS, Pháp - Ba Lan tính điều quân tới Ukraine