Thế giới

Mỹ ưu tiên đàm phán thuế quan với Việt Nam, nhiều tập đoàn lớn cam kết hỗ trợ

Thanh Lê 29/04/2025 - 00:34

Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 28/4.

Mới đây, ông Đỗ Ngọc Hưng – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ – cho biết Việt Nam hiện nằm trong nhóm các quốc gia Mỹ ưu tiên đàm phán thuế quan, bên cạnh Ấn Độ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia.

Mỹ ưu tiên đàm phán thuế quan với Việt Nam, nhiều tập đoàn lớn cam kết hỗ trợ - ảnh 1
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ tham dự trực tuyến

Theo ông Hưng, nhiều tập đoàn lớn của Mỹ như Walmart , Target (với tỷ trọng nhập khẩu hàng Việt Nam chiếm 30%), Costco, HomeDepot... vẫn thể hiện sự tin tưởng và ủng hộ Việt Nam, kỳ vọng hai bên sẽ sớm đạt được thỏa thuận về việc gỡ bỏ các mức thuế đối ứng.

Ông cũng tiết lộ rằng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn phân phối hàng đầu của Mỹ đang cân nhắc tham gia sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế - Vietnam International Sourcing & Diễn đàn xuất khẩu TP.HCM 2025", dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới, do Bộ Công Thương phối hợp tổ chức.

Các tín hiệu tích cực trong tiến trình đàm phán thuế quan được kỳ vọng sẽ mở rộng thêm cơ hội cho hàng hóa Việt Nam.

Thách thức song hành với cơ hội

Cũng tại hội nghị, các đại diện thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nhận định rằng, chính sách thuế quan của Mỹ dù gây ra nhiều biến động cho thương mại toàn cầu nhưng đồng thời cũng mở ra những cơ hội mới.

Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại tại Canada, cho biết căng thẳng thương mại giữa Canada và Trung Quốc cùng nhu cầu tìm kiếm đối tác mới đang tạo ra nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam. Xu hướng giảm phụ thuộc vào Mỹ trong chuỗi cung ứng cũng góp phần định hình lại thị trường, trong đó Việt Nam nổi lên như một đối tác tiềm năng nhờ lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Mỹ ưu tiên đàm phán thuế quan với Việt Nam, nhiều tập đoàn lớn cam kết hỗ trợ - ảnh 2
Quý I/2025, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 22% so với cùng kỳ

Tại Australia, bà Nguyễn Thu Hường – đại diện Thương vụ Việt Nam – cho biết kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này trong quý I/2025 đã đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng hơn 13,2% so với cùng kỳ.

Đà tăng trưởng được thúc đẩy nhờ mối quan hệ song phương thuận lợi, các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, AANZFTA, RCEP, cùng sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt và châu Á đông đảo tại Australia.

Tuy nhiên, bà Hường cũng cảnh báo rằng các doanh nghiệp cần chuẩn bị đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn hơn, do sức mua giảm và giá cả leo thang khiến đồng AUD mất giá mạnh nhất trong vòng 5 năm qua. Bên cạnh sự cạnh tranh từ Trung Quốc, Thái Lan, hàng hóa Việt Nam còn phải đối đầu với sản phẩm Mỹ nếu Australia tiếp tục giảm thuế nhập khẩu từ nước này.

Doanh nghiệp cần chủ động thích ứng

Để vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội, các cơ quan thương vụ khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế và đẩy mạnh tiếp cận những thị trường tiềm năng. Đồng thời, các cơ quan thương vụ sẽ tiếp tục cung cấp thông tin cập nhật về xu hướng tiêu dùng, chính sách mới, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng và mở rộng thị trường.

Tại hội nghị, nhiều hiệp hội ngành hàng cũng nêu ra kiến nghị nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó kịp thời với các biến động thị trường.

Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam – cho biết ngành dệt may đang chịu tác động nặng nề từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Ông đề nghị các cơ quan thương vụ thường xuyên cung cấp thông tin về diễn biến thị trường, xu hướng tiêu dùng Mỹ và tiến độ đàm phán thuế để doanh nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh chỉ còn 90 ngày tạm hoãn áp thuế.

Ông Cẩm cũng nhấn mạnh nhu cầu cập nhật tình hình tại các thị trường tiềm năng khác như Nga, Brazil, Chile, Trung Đông nhằm tìm kiếm cơ hội xuất khẩu mới cho ngành.

Về phía ngành thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam – chia sẻ rằng Việt Nam hiện nằm trong top 10 quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất vào Mỹ.

Các doanh nghiệp đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất trong thời gian Mỹ hoãn áp thuế, song vẫn đối mặt với nhiều lo ngại về thị trường. Ông Nam mong muốn các cơ quan thương vụ hỗ trợ khai thông thêm các thị trường mới để ngành thủy sản có thêm dư địa phát triển.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cũng đề xuất Bộ Công Thương đẩy mạnh tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại chuyên sâu tại các thị trường trọng điểm như Ấn Độ, Nga, đồng thời cảnh báo sớm về các thay đổi trong chính sách thương mại, thuế quan.

Hiệp hội cũng mong muốn nhận được thông tin chi tiết về những dòng sản phẩm điện tử đang có nhu cầu cao, các lưu ý kỹ thuật khi xuất khẩu và danh mục mặt hàng tiềm năng.

>> Phớt lờ sức ép từ Mỹ, một quốc gia tuyên bố tăng cường hợp tác với Trung Quốc

Chủ tịch nước Lương Cường mời Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản sớm thăm Việt Nam

Apple tăng tốc rời Trung Quốc, Việt Nam trở thành ‘công xưởng’ mới của AirPods, iPad, MacBook

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/my-uu-tien-dam-phan-thue-quan-voi-viet-nam-nhieu-tap-doan-lon-cam-ket-ho-tro-141382.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Mỹ ưu tiên đàm phán thuế quan với Việt Nam, nhiều tập đoàn lớn cam kết hỗ trợ
    POWERED BY ONECMS & INTECH