Gần 28.000 nhân sự đã rời "biên chế" Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) chỉ sau 3 năm. Trong khi đó, những người ở lại đang tạo ra khối tài sản khủng cho doanh nghiệp được điều hành bởi ông Đoàn Nguyên Đức.
Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HAGL |
Như đã thông tin, 2023 là năm CTCP Hoàng Anh Gia Lai (Mã HAG  - HoSE) của Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức  thiết lập nhiều kỷ lục kinh doanh kể từ khi lên sàn chứng khoán.
Cụ thể, HAGL ghi nhận doanh thu hợp nhất hơn 6.900 tỷ đồng - tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước (YoY). Đây là mức kỷ lục từ khi lên sàn đồng thời vượt hơn 35% kế hoạch cả năm. Lãi trước và sau thuế lần lượt 1.805 tỷ và 1.817 tỷ đồng (cao nhất 12 năm ), tăng 75,6% và 61,5% YoY.
Tính riêng quý IV, HAGL ghi nhận doanh thu gần 1.900 tỷ đồng. Nhờ được ngân hàng Eximbank xóa nợ hơn 1.400 tỷ đồng nên tập đoàn báo lãi 1.107 tỷ đồng - gấp 4,76 lần quý IV/2022. Đây là mức lãi quý cao nhất kể từ quý I/2016 và cũng là lần thứ 2 công ty ghi nhận lãi quý nghìn tỷ (sau mức 1.002 tỷ đồng hồi quý II/2017).
Năm 2023 khép lại với nhiều dấu ấn trong đó nổi bật là câu chuyện tái cơ cấu các khoản nợ thông qua bán/chuyển nhượng vốn công ty con, công ty liên kết và loạt tài sản liên quan. Hay như cái bắt tay với ngân hàng LPBank; câu chuyện thoái vốn công ty BAPI HAGL; cổ phiếu tăng mạnh 70% lên gần mức đỉnh 9 năm...
Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của HAGL tăng lên mức 21.527 tỷ đồng trong đó lớn nhất là 8.370 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn. Nợ phải trả ở mức 14.800 tỷ đồng trong đó vay nợ tài chính giảm còn 7.900 tỷ. Lỗ lũy kế giảm mạnh hơn 50% so với đầu kỳ, còn 1.633 tỷ đồng.
>> Hoàng Anh Gia Lai (HAG) sẽ trở thành công ty đầu tiên trên sàn chứng khoán không có nợ? 
Câu chuyện khác cũng được quan tâm lúc này là biến động cơ cấu nhân sự tại HAGL sau một năm đẩy mạnh xử lý các khoản nợ và cơ cấu lại tổ chức.
Theo ghi nhận tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023, chi phí lương nhân viên ở cả danh mục "chi phí bán hàng" và "chi phí quản lý doanh nghiệp" của tập đoàn đều giảm nhẹ so với năm trước đó còn 375 triệu đồng và 34,33 tỷ đồng. Dù chưa công bố báo cáo thường niên 2023 song chiếu theo số liệu trên, có thể thấy biến động nhân sự tại HAGL năm vừa qua là không đáng kể.
Nguồn: BCTC quý IV/2023 của HAGL |
Tại thời điểm 31/12/2023, doanh nghiệp được điều hành bởi ông Đoàn Nguyên Đức đang sở hữu 7 công ty con trực tiếp, 8 công ty con gián tiếp, 1 công ty liên kết và 4 chi nhánh (tăng 5 công ty con gián tiếp và 4 chi nhánh so với trước đó 1 năm).
Cần nhấn mạnh, năm 2022, "quân số" của toàn hệ thống chỉ vỏn vẹn 2.084 người lao động - mức thấp nhất 14 năm. Con số này thậm chí giảm gần 28.000 người so với ghi nhận tại báo cáo thường niên 2019 (khi HAGL Agrico vẫn là công ty trực thuộc).
>> HAGL: 20.000 tỷ đồng nợ vay 'biến mất' sau 7 năm 
Gác lại những vấn đề về "sách lược/chiến lược" kinh doanh của HAGL trong quá khứ, không thể phủ nhận những đóng góp của người lao động trong 15 năm thăng trầm của HAGL. Đặc biệt, với quân số khiêm tốn chỉ 2.448 người, tập đoàn đã có lần đầu báo lãi trở lại 128 tỷ đồng năm 2021.
Sang năm 2022, con số lợi nhuận ròng thu về đã tăng gấp gần 10 lần - đạt mức 1.125 tỷ đồng với quân số thậm chí chỉ còn chưa đầy 2.100 người lao động.
Số lượng nhân sự của Tập đoàn HAGL dần đi vào ổn định trong 3 năm kinh doanh có lời gần nhất |
Kết năm 2023, với mức lợi nhuận tăng 61,5% lên 1.817 tỷ đồng, tạm tính với số lượng nhân sự gần như không đổi so với năm trước đó, mỗi người lao động HAGL đem về hơn 3,3 tỷ đồng doanh thu (tương đương một căn hộ thuộc phân khúc trung cấp tại Hà Nội) và 872 triệu đồng lãi sau thuế - cao hơn mức 2,45 tỷ đồng và 540 triệu đồng của năm trước đó.