Năm 2025, tỉnh Hà Tĩnh sẽ đưa một thị xã lên thành phố trực thuộc
Việc thị xã này lên thành phố trực thuộc tỉnh là phù hợp với định hướng phát triển của địa phương.
Ngày 29/11, tại Hội nghị lần thứ 53 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh , các đại biểu đã thống nhất cao về việc thành lập thành phố Kỳ Anh trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
Theo Tờ trình do ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh, đại diện Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình lên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, việc nâng cấp thị xã Kỳ Anh thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025 là bước đi phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.
Thành phố Kỳ Anh  dự kiến được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số hiện có của thị xã Kỳ Anh, được quy hoạch theo hai khu vực.
Khu vực nội thị có diện tích 221,81km2 với dân số khoảng 94.606 người, bao gồm 6 phường Hưng Trí, Kỳ Trinh, Kỳ Thịnh, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Phương và 2 xã định hướng chuyển thành phường là Kỳ Ninh và Kỳ Nam.
Khu vực ngoại thị có diện tích 63,73km2 với dân số khoảng 25.545 người, bao gồm 3 xã: Kỳ Hà, Kỳ Lợi và Kỳ Hoa.
>> Dự án khách sạn 163 tỷ trên 'đất vàng' sau 7 năm vẫn ngổn ngang 
Theo Quy hoạch chung thị xã Kỳ Anh đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 7/6/2018, Kỳ Anh được xác định là trung tâm kinh tế tổng hợp phía Nam của tỉnh Hà Tĩnh, với trọng tâm phát triển Khu kinh tế Vũng Áng. Các ngành kinh tế mũi nhọn bao gồm công nghiệp, dịch vụ cảng biển, kết hợp với du lịch, nông – lâm nghiệp. Với vai trò là một đô thị động lực, thị xã Kỳ Anh đóng góp quan trọng trong thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ, đồng thời là điểm sáng để thu hút các dự án đầu tư về công nghiệp, nhà ở, dịch vụ và du lịch.
Năm 2020, thị xã Kỳ Anh được công nhận là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Qua quá trình rà soát theo quy định tại Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Điều 5 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15), thị xã Kỳ Anh cơ bản đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Việc nâng cấp này không chỉ là bước tiến trong chiến lược phát triển của tỉnh Hà Tĩnh mà còn góp phần đẩy mạnh quá trình đô thị hóa, tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.