Vĩ mô

Nam Định muốn chuyển dự án nhà máy nhiệt điện than 2 tỷ USD sang điện khí

Bảo Khánh - Trọng Tùng 28/03/2024 - 11:11

Việc chuyển đổi dự án nhà máy nhiệt điện than sang điện khí LNG, theo tỉnh Nam Định, nhằm giảm dần tỷ trọng điện than và đáp ứng nguyện vọng của người dân là nhà máy điện phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.

Ngày 28/3, ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết, tỉnh này vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương đề xuất chuyển đổi dự án nhiệt điện 2,2 tỷ USD từ điện than sang điện khí LNG.

Cụ thể, UBND tỉnh Nam Định kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, đàm phán với chủ đầu tư chuyển đổi dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định 1 dự kiến sử dụng nhiên liệu than sang sử dụng nguồn nhiên liệu sạch như điện khí LNG để đảm bảo nhiên liệu cho sản xuất điện thân thiện với môi trường và phù hợp cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26.

Điều này cũng phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và đáp ứng được nguyện vọng, tạo sự đồng thuận của người dân trong vùng dự án.

Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định I được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 15/6/2017 tại Nam Định cho liên danh Tập đoàn Taekwang Power (Hàn Quốc) và Acwa Power (Ả rập Xê út) đầu tư, thông qua pháp nhân là Công ty TNHH Điện lực Nam Định thứ nhất (trụ sở tại Singapore).

clean vs green energy.jpg
Nguồn điện 'xanh' hơn đang được chú ý.

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD, theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) giữa nhà đầu tư và Bộ Công Thương, được xây dựng, vận hành theo thiết kế nhà máy nhiệt điện đốt than, với công suất khoảng 1.109,4MW, gồm hai tổ máy, công suất mỗi tổ khoảng 554,7MW.

Dự án được thực hiện tại địa bàn hai xã Hải Châu và Hải Ninh (huyện Hải Hậu), trên diện tích 242,71ha, thời gian dự kiến khởi công giữa năm 2018. Tuy nhiên, sau lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, dự án vẫn "án binh bất động".

Theo Quy hoạch điện VIII (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15/5), dự án Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 vẫn được xếp trong danh mục các dự án nguồn và lưới điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện, thuộc nhóm các dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông, thu xếp vốn.

Dự án được giao Bộ Công Thương làm việc với các nhà đầu tư, cho phép kéo dài đến tháng 6/2024 nếu không triển khai được phải xem xét chấm dứt theo quy định của pháp luật.

Trong văn bản xin ý kiến của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Nam Định cho biết: Đến tháng 12/2020, về cơ bản các nội dung của hợp đồng BOT và GGU (thoả thuận về cam kết bảo lãnh của Chính phủ cho dự án) đã được thống nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo về việc ký chính thức các hợp đồng dự án sau khi hợp đồng mua bán điện (PPA) được thống nhất và hoàn thiện.

Tuy nhiên, đến nay hợp đồng dự án vẫn chưa được ký kết do các vướng mắc liên quan đến hợp đồng mua bán điện PPA và việc tái cấu trúc nhà đầu tư.

Những vướng mắc tại dự án hơn 2 tỷ USD dần có hướng tháo gỡ khi ngày 16/10/2023, đại diện Tập đoàn Phát triển Năng lượng Gulf (Thái Lan) đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định về các nội dung liên quan tới dự án.

Theo Tổng Giám đốc Gult Việt Nam, nhà đầu tư này đã sơ bộ thống nhất thoả thuận với Tập đoàn Taekwang (Hàn Quốc) - chủ đầu tư, về việc hai tập đoàn cùng hợp tác hoặc Tập đoàn Taekwang chuyển đổi cho Tập đoàn Gulf đầu tư dự án Nhiệt điện Nam Định 1, theo hướng chuyển đổi từ công nghệ nhiệt điện than sang nhiệt điện khí LNG.

>> Doanh nghiệp Thái Lan dừng đầu tư nhà máy điện than 55.000 tỷ, Quảng Trị muốn chuyển sang điện khí LNG

Siêu dự án điện khí LNG hơn 60.000 tỷ tại một khu kinh tế biển miền Trung chính thức 'lên dây'

Thái Bình quy hoạch cảng biển ngoài khơi phục vụ trung tâm điện - khí LNG

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/nam-dinh-muon-doi-du-an-nha-may-nhiet-dien-than-2-ty-usd-sang-dien-khi-2264412.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Nam Định muốn chuyển dự án nhà máy nhiệt điện than 2 tỷ USD sang điện khí
    POWERED BY ONECMS & INTECH