Nền kinh tế hàng đầu châu Á mua lượng USD cao kỷ lục để bảo vệ chế độ neo tỷ giá
Hồng Kông vừa thực hiện đợt can thiệp thị trường ngoại hối lớn nhất trong lịch sử nhằm bảo vệ cơ chế neo tỷ giá với USD, trong bối cảnh đồng USD suy yếu và làn sóng biến động tiền tệ lan rộng khắp châu Á.
Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA) đã can thiệp vào thị trường ngoại hối với quy mô chưa từng có, nhằm bảo vệ cơ chế neo tỷ giá của đồng đô la Hồng Kông với USD. Cụ thể, HKMA đã chi 46,539 triệu đô la Hồng Kông (tương đương khoảng 6 tỷ USD) trong một ngày để mua vào USD – mức cao nhất trong dữ liệu được BNN ghi nhận kể từ năm 2004.
Thông tin này được một quan chức tại Văn phòng đại diện của HKMA ở New York xác nhận qua điện thoại, đồng thời cho biết đây là lần can thiệp đầu tiên của cơ quan này kể từ năm 2020.

Nguyên nhân của động thái can thiệp là do đồng USD suy yếu gần đây, khiến đồng đô la Hồng Kông mạnh lên và tiệm cận biên độ mạnh nhất trong phạm vi giao dịch cho phép là 7,75 – 7,85 HKD/USD. Việc đồng tiền chạm ngưỡng 7,75 buộc HKMA phải mua vào USD để duy trì tỷ giá cố định theo cơ chế đã cam kết.
Cơ chế neo tỷ giá của Hồng Kông được thiết lập từ năm 1983, trong đó đồng nội tệ được giữ trong một biên độ cố định so với USD. HKMA có trách nhiệm can thiệp bằng cách mua hoặc bán USD để đảm bảo tỷ giá không vượt khỏi biên độ đề ra.
Trước đó, trong các năm 2022 và 2023, cơ quan này từng can thiệp theo hướng ngược lại – bán USD ra thị trường – nhằm ngăn đồng đô la Hồng Kông rơi xuống gần ngưỡng yếu nhất trong biên độ.
Sự can thiệp của Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông nhằm kiềm chế đà tăng của đồng nội tệ diễn ra trong bối cảnh nhiều Ngân hàng Trung ương châu Á đang chật vật ứng phó với biến động tiền tệ và kinh tế thế giới. Vào ngày 25/4, đảo Đài Loan cũng buộc phải can thiệp khi Đài tệ tăng mạnh 3% so với đồng USD – mức tăng trong một ngày lớn nhất kể từ năm 1988.
Đà tăng của các đồng tiền trong khu vực phần lớn được thúc đẩy bởi kỳ vọng về một bước tiến mới trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung. Đây là tín hiệu tích cực đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế vào tháng trước, làm dấy lên hy vọng các cuộc đàm phán có thể sớm được nối lại.
Chính sách thương mại cứng rắn của ông Trump từng gây xáo trộn mạnh trên các thị trường tài chính toàn cầu, đồng thời làm lung lay niềm tin vào vị thế "vịnh tránh bão " của đồng USD. Lo ngại về rủi ro, nhiều nhà đầu tư đã chuyển hướng dòng vốn ra khỏi các tài sản định giá bằng USD sau nhiều năm tích lũy, đặt cược vào khả năng suy yếu của đồng tiền này.
Chỉ số Bloomberg Dollar Spot, theo dõi sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ các đồng tiền chủ chốt, đã ghi nhận tháng tồi tệ nhất kể từ năm 2022 trong tháng 4 vừa qua, với mức giảm lên tới 6,5% tính từ đầu năm.
Tỷ giá đồng đô la Hồng Kông được neo cố định vào USD từ năm 1983, nhằm đối phó với làn sóng bán tháo tiền tệ trong giai đoạn nhạy cảm khi Anh và Trung Quốc đang đàm phán về việc trao trả thuộc địa. Đến năm 2005, hệ thống này được điều chỉnh linh hoạt hơn với biên độ dao động cho phép trong khoảng từ 7,75 đến 7,85 HKD/USD.
Mặc dù liên tục chịu áp lực từ giới đầu cơ trong nhiều năm, hệ thống neo tỷ giá vẫn được duy trì. Các nhà quản lý quỹ nổi tiếng như Kyle Bass, nhà sáng lập Hayman Capital Management, hay Bill Ackman, chủ tịch Pershing Square Capital Management, đều từng công khai đặt cược vào khả năng phá vỡ cơ chế neo tỷ giá của Hồng Kông – nhưng đến nay, đồng tiền này vẫn giữ vững ổn định.
Tham khảo Financial Times (FT)
>> Trung Quốc đẩy mạnh tham vọng loại bỏ đồng USD, thay thế SWIFT
Hồng Kông xem xét hợp pháp hóa cá cược thể thao, kỳ vọng doanh thu 6,7 tỷ USD
Dân Hồng Kông đổ xô giao dịch vàng khi giá liên tục lập đỉnh