Thế giới

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á lung lay: Tăng trưởng GDP chạm đáy, người dân thắt chặt chi tiêu, loạt chỉ số lao dốc không phanh

Thanh Lê 05/05/2025 - 16:14

Giữa làn sóng bảo hộ thương mại ngày càng dâng cao trên toàn cầu, đặc biệt là căng thẳng thương mại với Mỹ, Indonesia đang đối mặt với sức ép kép: bên trong là tiêu dùng suy yếu, bên ngoài là nguy cơ bị áp thuế tới 32% từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Indonesia chỉ tăng trưởng 4,87% trong quý I/2025 – mức thấp nhất kể từ quý III/2021, giữa lúc tiêu dùng hộ gia đình chững lại, đầu tư và chi tiêu công lao dốc. Số liệu được công bố trong bối cảnh tân Tổng thống Prabowo Subianto đặt mục tiêu đầy tham vọng: đưa GDP tăng trưởng 8%.

Tốc độ tăng trưởng GDP quý I thấp hơn mức dự báo trung vị 4,92% của các chuyên gia kinh tế. So với quý trước, GDP Indonesia giảm tới 0,98%, sâu hơn mức suy giảm 0,90% theo dự đoán.

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á lung lay: Tăng trưởng GDP chạm đáy, người dân thắt chặt chi tiêu, loạt chỉ số lao dốc không phanh - ảnh 1
Tiêu dùng hộ gia đình, động lực tăng trưởng lớn nhất của Indonesia, đã không tăng trưởng ngay cả trong lễ hội Ramadan vào tháng 3

“Đầu tư suy giảm do cả yếu tố nội địa và bên ngoài, và điều tệ nhất có lẽ vẫn chưa tới,” nhà kinh tế Tamara Henderson từ Bloomberg Economics nhận định. Theo bà, viễn cảnh tăng trưởng yếu đi cùng lạm phát vẫn thấp có thể thúc đẩy Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) hạ thêm lãi suất 25 điểm cơ bản trong tháng này – nếu đồng rupiah giữ vững đà hồi phục.

Trên thị trường, chỉ số chứng khoán Jakarta Composite giữ mức tăng 0,5% sau thông tin tăng trưởng. Tuy nhiên, đồng rupiah xóa gần hết đà tăng, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm hầu như không đổi ở mức 6,87%.

Tiêu dùng hộ gia đình chỉ tăng 4,89% trong quý I, giảm mạnh so với cuối năm ngoái. Điều đáng chú ý là Ramadan năm nay rơi vào tháng 3 (thay vì tháng 4 như năm ngoái), lẽ ra phải giúp tiêu dùng tăng mạnh. Tuy nhiên, các biện pháp kích thích như giảm giá điện, vé máy bay và lạm phát thấp vẫn không đủ tạo đột phá.

Một số nhóm chi tiêu như quần áo, giày dép giảm tốc rõ rệt; trong khi các lĩnh vực ăn uống, khách sạn và giao thông vận tải vẫn giữ đà tích cực.

Trong khi đó, chi tiêu công giảm 1,38% so với cùng kỳ. Đây là kết quả của lệnh cắt giảm chi tiêu diện rộng từ ông Prabowo, bao gồm cả các khoản cho hạ tầng và công tác nước ngoài.

Tuy vậy, các chương trình ưu tiên như phát cơm miễn phí trong trường học dự kiến sẽ bắt đầu phát huy hiệu quả từ quý II, theo bà Amalia Adininggar Widyasanti – Tổng cục trưởng Thống kê.

Đầu tư cố định – đại diện cho tổng vốn đầu tư – chỉ tăng 2,12%, mức thấp nhất trong hai năm. Khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất là xây dựng và thiết bị máy móc. Theo DBS Bank, tâm lý dè chừng trước các mức thuế mới từ Mỹ đã khiến doanh nghiệp hoãn kế hoạch đầu tư.

Trên phương diện sản xuất, tất cả các lĩnh vực đều tăng trưởng ngoại trừ khai khoáng, vốn bị ảnh hưởng bởi nhu cầu than toàn cầu suy yếu và hoạt động bảo trì tại các mỏ đồng và vàng ở Papua.

Ngành nông nghiệp, dịch vụ doanh nghiệp và dịch vụ du lịch tăng mạnh, nhờ mùa thu hoạch và sự hồi phục của khách nội địa cũng như quốc tế.

Ngân hàng Trung ương Indonesia trước đó đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2025, song vẫn giữ nguyên lãi suất trong ba tháng liên tiếp để bảo vệ tỷ giá. Trong khi đó, ngày càng nhiều chuyên gia hạ kỳ vọng GDP xuống dưới mốc 5%.

Ông Myrdal Gunarto – chuyên gia từ Maybank Indonesia – cảnh báo chính phủ cần sớm đẩy mạnh chi tiêu cho các chương trình phát triển ưu tiên để tạo hiệu ứng lan tỏa. Ông cũng nhấn mạnh cần tiếp tục tập trung vào các chương trình đầu tư hạ nguồn (downstream), giúp nâng giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng.

>> Dòng vốn ngoại bất ngờ ‘quay xe’ tháo chạy ồ ạt: Chuyện gì đang xảy ra với siêu cường châu Á?

Nền kinh tế số 1 Đông Nam Á đã trải qua 9 năm đàm phán mà chưa có được thỏa thuận thương mại với EU, muốn được hưởng ưu đãi như Việt Nam

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á chi 44 tỷ USD cho giáo dục nhưng nhiều trường chỉ có đúng một nhà vệ sinh, Tổng thống chỉ đạo khẩn

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/nen-kinh-te-lon-nhat-dong-nam-a-lung-lay-tang-truong-gdp-cham-day-nguoi-dan-that-chat-chi-tieu-loat-chi-so-lao-doc-khong-phanh-141719.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á lung lay: Tăng trưởng GDP chạm đáy, người dân thắt chặt chi tiêu, loạt chỉ số lao dốc không phanh
    POWERED BY ONECMS & INTECH