Nước Đông Nam Á hoãn mua 350.000 tấn gạo Việt Nam bất ngờ có động thái mới
Chương trình giảm một nửa giá gạo sẽ tiêu tốn của Chính phủ Philippines khoảng 178 triệu USD để hỗ trợ người nghèo. Nhưng các nhà phê bình cho rằng đây chỉ là công cụ nhằm ủng hộ các ứng viên của Chính phủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Chính phủ Philippines dự kiến sẽ bán một phần lượng gạo dự trữ của mình với giá được trợ cấp mạnh trong tháng 5, khi người dân tại quốc đảo Đông Nam Á này đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) do Nhà nước sở hữu sẽ bán ít nhất 370.000 tấn gạo tồn kho từ các kho dự trữ với giá khoảng 20 peso (hơn 9.200 đồng) mỗi kg – bằng khoảng một nửa giá thị trường hiện tại, theo lời Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp nước này, ông Francisco Tiu Laurel Jnr. chia sẻ trong buổi họp báo hôm thứ Ba (29/4).
>> Giá gạo tăng vọt, một thị trường Đông Nam Á 'mở toang cửa' cho gạo Việt

Chính phủ Philippines muốn bắt đầu bán gạo trợ giá trong tuần này, nhưng có thể phải đợi đến sau cuộc bầu cử ngày 12/5, tùy thuộc vào quyết định của Ủy ban Bầu cử, ông Laurel cho biết.
Chương trình sẽ tiêu tốn khoảng 10 tỷ peso (178 triệu USD, tức gần 4.636 tỷ đồng) và nhằm mục đích hỗ trợ người nghèo, ông Laurel nói.
Phó Tổng thống Philippines Sara Duterte – cựu đồng minh của cựu Tổng thống Ferdinand Marcos và cũng là người đang cân nhắc tranh cử Tổng thống vào năm 2028 đã chỉ trích chương trình trợ giá này chỉ là công cụ để thúc đẩy các ứng cử viên của Chính phủ lấy thêm lòng tin từ người dân, đặc biệt là dân nghèo trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới.

>> Dân Nhật đổ xô mua gạo Việt Nam giữa cơn sốt giá kỷ lục, chuyện gì đang xảy ra?
Đáng chú ý, gạo là lương thực chính tại Philippines và các hộ gia đình đã bị ảnh hưởng nặng nề khi giá gạo tăng lên mức cao nhất trong 15 năm vào năm 2024. Giá đã bắt đầu giảm dần trong năm nay khi sản lượng được cải thiện, với sản lượng vụ mùa 2024 - 2025 dự kiến sẽ đạt kỷ lục, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO).
Philippines đặt mục tiêu sản xuất 20,46 triệu tấn lúa thô trong năm 2025, tăng từ mức 19,03 triệu tấn vào năm 2024. Quốc gia Đông Nam Á này dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 5,2 triệu tấn gạo trong năm nay, giảm 1,9% so với năm ngoái, nhờ dự báo sản lượng nội địa tăng và lượng tồn kho chuyển tiếp cao hơn.

Sau khi bắt đầu bán gạo trợ giá, NFA có thể bổ sung kho từ các nhà sản xuất trong nước – những người sẽ bắt đầu thu hoạch trong tuần này, ông Laurel cho biết.
Chương trình trợ giá này – bao gồm cả ở Thủ đô Manila và các khu vực miền Trung Philippines có tỷ lệ người nghèo cao sẽ kết thúc vào tháng 12 năm nay, theo Bộ trưởng Nông nghiệp nước này cho biết.
Còn nhớ, hồi đầu tháng 2 năm nay, các nhà nhập khẩu gạo tại Philippines đã hoãn mua khoảng 350.000 tấn gạo Việt Nam và đang trong quá trình đàm phán lại các thỏa thuận sau khi giá mặt hàng nông sản chủ lực này giảm mạnh.
“Giá gạo Việt Nam đã giảm mạnh trong vài tuần qua. Bây giờ, khách hàng không muốn mua loại gạo đắt tiền này nữa”, một Giám đốc điều hành cấp cao tại một công ty kinh doanh ngũ cốc quốc tế có trụ sở tại Singapore cho biết hôm 7/2.
Các nhà nhập khẩu gạo đến từ Philippines đã ký hợp đồng với mức giá khoảng 620 USD/tấn, theo điều kiện giao dịch lên tàu (FOB) cho gạo thơm Việt Nam vào cuối năm ngoái, nhưng hiện giá đã giảm xuống còn khoảng 500 USD/tấn, hai nguồn tin thương mại cho biết.
“Điều này xảy ra ngay trước khi vụ thu hoạch mới bắt đầu ở Việt Nam (vụ Đông – Xuân)”, nguồn tin giao dịch thứ hai tại một công ty giao dịch gạo quốc tế ở Bangkok cho biết. “Đây là cú sốc lớn đối với các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam vì việc hủy bỏ một số giao dịch này có thể khiến họ vỡ nợ”.
>> Philippines bất ngờ hoãn thu mua 350.000 tấn gạo của Việt Nam, nguyên nhân do đâu?
Philippines là quốc gia sản xuất nông nghiệp, trong đó có sản xuất lúa gạo; tuy nhiên, trong nhiều năm qua, đất nước Đông Nam Á này sản xuất lúa gạo trong nước luôn không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ. Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra các nguyên nhân và một trong số những nguyên nhân được Tổ chức lương thực thế giới xác định là do Philippines – quốc gia được cấu thành bởi hàng ngàn hòn đảo – nên diện tích đất trồng lúa không nhiều, đặc biệt là không có những vùng đồng bằng cửa sông rộng lớn và phì nhiêu.
Năm 2025, với nguồn vốn Chính phủ hỗ trợ và đầu tư nhiều hơn cho nông dân, sản xuất lúa nội địa của Philippines đặt mục tiêu đạt 20,46 triệu tấn. Tuy nhiên, cho dù đạt được mục tiêu đề ra thì mức tăng khiêm tốn này không thể giúp Philippines thoát khỏi tình trạng thiếu hụt và phải phụ thuộc vào nhập khẩu gạo.
Nhu cầu tiêu thụ gạo nội địa của Philippines có xu hướng tăng hàng năm, từ mức dưới 15 triệu tấn năm 2019, đến năm 2024 đã tăng lên 17 triệu tấn. Cụ thể, tổng lượng gạo tiêu thụ nội địa của Philippines trong các năm 2019, 2020, 2021, 2022, 2023 và 2024 lần lượt là 14,4 triệu tấn, 14,8 triệu tấn, 15,4 triệu tấn, 16,1 triệu tấn, 16,6 triệu tấn và 17,2 triệu tấn. Dự báo năm 2025, nhu cầu tiêu thụ gạo nội địa của Philippines khoảng 17,8 triệu tấn.

Theo Bộ Công Thương Việt Nam, trong những năm qua, Philippines nhập khẩu gạo chủ yếu từ Việt Nam, với thị phần chiếm khoảng từ 80% đến 85%, từ Thái Lan khoảng 10%, phần còn lại được nhập khẩu từ các nước Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Nhật Bản và các quốc gia khác.

Chính phủ Philippines thời gian qua cũng đang nỗ lực tìm cách đa dạng hóa nguồn cung gạo và loại gạo nhập khẩu, thậm chí cả việc ký kết thỏa thuận hợp tác thương mại với Campuchia, mặc dù thỏa thuận này không mang lại nhiều hiệu quả.
Theo SCMP
Thái Lan rơi khỏi vị trí số 2, Việt Nam bứt phá trên bản đồ gạo toàn cầu
Người đứng đầu Chính phủ Cuba cảm kích Việt Nam vì đã giúp nước này tự chủ nguồn lương thực gạo