Ngân hàng ACB phát hành nhiều trái phiếu nhất thị trường năm 2024
ACB đã phát hành tổng cộng hơn 36.100 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024.
Trong Báo cáo về thị trường trái phiếu công bố mới đây, Chứng khoán MB (MBS) cho biết, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 11 tháng đầu năm 2024 đã vượt tổng mức phát hành trong năm 2023 khi đạt gần 402.800 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ.
Trong đó, ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với khoảng 288.300 tỷ, tăng 130% so với cùng kỳ 2023, chiếm tỷ trọng 72%, lãi suất bình quân gia quyền là 5,6%/năm, kỳ hạn bình quân 5,1 năm.
Đáng chú ý, số liệu của MBS cho thấy các tổ chức phát hành nhiều trái phiếu nhất thị trường từ đầu năm đều thuộc nhóm ngân hàng tư nhân gồm có: ACB  (36.100 tỷ đồng), HDBank (30.900 tỷ đồng), Techcombank  (30.600 tỷ đồng), OCB  (27.700 tỷ đồng), MB  (23.300 tỷ đồng).
MBS cho rằng, ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu nhằm bổ sung vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay. Tính từ đầu năm tới ngày 7/12, tín dụng tăng 12,5%, cao hơn so với mức 9% cùng kỳ năm ngoái, tín dụng dự báo sẽ tăng tốc trong nhưng tháng cuối năm theo sự phục hồi mạnh mẽ của sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ.
MBS cho biết thêm, trong tháng 11, giá trị trái phiếu doanh nghiệp mua lại trước hạn ước tính khoảng 10,9 nghìn tỷ đồng, giảm 37,5% so với tháng trước, trong đó nhóm ngân hàng chiếm 71%, nhóm bất động sản chiếm 15%. Lũy kế từ đầu năm đến nay, khoảng 173,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được mua lại trước hạn, giảm 16% so với cùng kỳ.
“Việc các NHTM đẩy mạnh huy động vốn qua kênh trái phiếu dù chi phí vốn đắt đỏ hơn so với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng được cho là nhằm bổ sung cơ cấu vốn trung, dài hạn trong bối cảnh nhu cầu vay vốn đang dần phục hồi”, MBS đánh giá.
Trước đó, nhiều tổ chức phân tích cũng dự báo rằng nhu cầu đi vay và phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024. Theo đó, để đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng vào cuối năm, các ngân hàng sẽ cần củng cố nguồn vốn trung dài hạn, trong đó bao gồm hình thức phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2.
Ngoài ra, các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong bối cảnh thanh khoản thị trường có dấu hiệu không còn quá dư thừa, thể hiện ở lãi suất liên ngân hàng qua đêm liên tục duy trì trên 4%/năm. Đây là kết quả của việc NHNN liên tục hút thanh khoản trên thị trường mở thời gian vừa qua; đồng thời huy động tiền gửi từ dân cư của các tổ chức tín dụng cũng giảm tốc mạnh trong năm 2024.
>> Thông tư 02 chính thức hết hiệu lực: Nợ xấu ngân hàng sẽ ra sao?