Ngân hàng ‘chật vật' với thu hồi nợ xấu
Trước nguy cơ nợ xấu “phình to", các ngân hàng đã đẩy mạnh công tác thu hồi nợ, nhưng phải giảm giá tài sản đảm bảo chục lần nhưng vẫn ế ẩm.
Tính đến cuối tháng 6/2024, nợ xấu  nội bảng của toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) tăng 5,77% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 4,56%, cao hơn mức 4,55% tại thời điểm cuối năm 2023 và mức 2,03% cuối năm 2022.
Đây là số liệu được ông Lê Trung Kiên - Phó Cục trưởng Cục 4, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng nêu tại tọa đàm "Xử lý nợ xấu - Thực trạng và giải pháp" do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam  (VNBA) tổ chức.
Theo ông Kiên, trong 2 năm gần đây, nợ xấu của hệ thống TCTD ở mức cao và tiếp tục tăng chủ yếu từ nhóm các ngân hàng thương mại, trong đó SCB là ngân hàng có nợ xấu nội bảng lớn nhất.
Về nguyên nhân khiến tỷ lệ nợ xấu tăng trong thời gian gần đây, ông Lê Trung Kiên nhận định, nguyên nhân đến từ kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, xung đột địa chính trị tại nhiều quốc gia ngày càng căng thẳng. Ngoài ra, lạm phát tại một số quốc gia chưa được kiểm soát và tiếp tục gia tăng.
Trong khi đó, hoạt động kinh tế trong nước chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, thiên tai, điều kiện sản xuất kinh doanh…
>> Phó Thống đốc NHNN: Nợ xấu tăng khá cao, tổng thể lên tới 6,9% 
Những điều này đã dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân chưa phục hồi vững chắc, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngân hàng.
Thông tin thêm về công tác thu hồi nợ xấu, ông Đỗ Giang Nam - Chủ nhiệm CLB Xử lý nợ, Hội đồng Thành viên Công ty Quản lý tài sản (VAMC) cho biết, nợ xấu tăng nhưng công tác thu hồi nợ, xử lý nợ của ngân hàng đang gặp nhiều trắc trở.
Ông Đỗ Giang Nam - Chủ nhiệm CLB Xử lý nợ, Hội đồng Thành viên VAMC |
"Thị trường bất động sản vẫn trầm lắng - chiếm khoảng 70% tổng tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại ngân hàng (tại một số ngân hàng lên đến 80%-90%). Nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh thanh lý tài sản để thu hồi nợ, nhưng do thanh khoản yếu nên nhiều bất động sản có giá trị lớn, phải giảm giá hàng chục lần nhưng vẫn ế ẩm", ông Nam cho hay.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký VNBA cũng đánh giá, quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng còn gặp nhiều vướng mắc do khách hàng gặp khó khăn, không có khả năng trả nợ hoặc thậm chí chây ỳ trả nợ, không hợp tác trong việc xử lý tài sản bảo đảm.
>> Xu hướng nợ xấu được ‘hé lộ’ ra sao qua BCTC nhóm ngân hàng 
Các quy trình, thủ tục tố tụng và thi hành án kéo dài gây tốn kém về mặt chi phí khiến giá trị tài sản bảo đảm bị giảm sút.
“Nhiều tài sản thế chấp vướng mắc về điều kiện giao dịch, việc xác định giá trị tài sản chưa phù hợp với thực tế và thị trường nên việc xử lý bán tài sản khó khăn, tài sản bảo đảm của bên thứ 3 khó xử lý. Không chỉ vậy, các vướng mắc về mặt pháp lý là một trong các nguyên nhân dẫn đến hiệu quả của công tác xử lý nợ xấu chưa cao, làm hạn chế tiến độ, hiệu quả của việc xử lý nợ xấu trong ngành ngân hàng”, đại diện VNBA nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký VNBA |
Do đó, ông Hùng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền bổ sung quy định pháp luật cho phép các tổ chức tín dụng là bên nhận bảo đảm của khoản nợ xấu được quyền thu giữ tài sản bảo đảm, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.
>> Bức tranh nợ xấu của ngân hàng: Kỳ vọng gì cho nửa cuối năm? 
Sacombank (STB) có 8.400 tỷ đồng nợ xấu khả năng mất vốn 
Agribank báo lãi 13.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 1,84%