Ngân hàng đề xuất thêm cơ chế gia hạn nợ
Các ngân hàng TMCP tư nhân thời gian qua đã tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN). Đồng thời, các ngân hàng cũng kỳ vọng sớm được gỡ vướng cơ chế từ các bộ ngành để phát huy tối đa nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng.
Đó là ý kiến của lãnh đạo một số ngân hàng tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại  cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì chiều ngày 21/9, tại Hà Nội.
(TyGiaMoi.com) - Nhiều chương trình lãi suất ưu đãi, vẫn cần đa dạng hóa nguồn vốn
Tại hội nghị, ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch HĐQT MB cho biết, thực hiện chủ trương, định hướng của Chính phủ, NHNN, tới hết 8 tháng năm 2024, MB tiếp tục duy trì đà tăng trưởng bền vững.
Trong đó, dư nợ tín dụng đạt xấp xỉ 685 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 11,15% so với năm 2024; so với bình quân toàn ngành xấp xỉ 7,15%). Dư nợ cho nhóm ngành ưu tiên theo định hướng của Chính phủ chiếm xấp xỉ 65%, giải ngân mới xấp xỉ 74 nghìn tỷ đồng cho DNNVV.
MB điều hành lãi suất theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN; hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn vay, đồng hành tháo gỡ khó khăn và phục hồi SXKD, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất cho vay từ 0,5% - 1,45% so với năm 2024 (MB cho vay SXKD lãi suất xấp xỉ 6,94%, so với 2023 là 7,88%).
Trong quý IV/2024, MB sẽ tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng lãi suất ưu đãi với các khách hàng SXKD, có phương án kinh doanh khả thi để hỗ trợ khách hàng, thúc đẩy phát triển kinh tế. Chú trọng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, quản trị thanh khoản...
Chủ tịch MB cũng chỉ ra các khó khăn, vướng mắc, hạn chế phát sinh, đặc biệt là đối với việc tăng trưởng tín dụng an toàn, lành mạnh, đồng thời có kiến nghị, đề xuất của MB đối với Chính phủ, NHNN.
MB đồng tình với giải pháp kiên định các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất cho vay... Tuy nhiên, cần có thêm các giải pháp ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) để giảm áp lực vốn tín dụng trung, dài hạn vào hệ thống ngân hàng; tăng cường thông tin truyền thông kịp thời để giữ vững tâm lý thị trường, nhà đầu tư trái phiếu.
"Cần đẩy nhanh thống nhất cơ chế giá điện, đặc biệt là các dự án chuyển tiếp, các dự án mới, chỉ đạo EVN ưu tiên và đảm bảo tiến độ thanh toán cho các DN sản xuất điện xanh, năng lượng tái tạo; thúc đẩy và tạo điều kiện hơn nữa cho ngành ngân hàng tăng cường kết nối, tiếp cận cơ sở dữ liệu quốc gia để phát triển công nghệ, thanh toán đảm bảo an toàn, bảo mật cho khách hàng", Đại diện MB đề nghị.
Có thêm các hướng dẫn về cơ cấu nợ, hỗ trợ dòng tiền cho khách hàng
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịn Vượng (VPBank) chia sẻ: Ngân hàng đang tích cực đẩy mạnh giải ngân, đáp ứng nhu cầu về vốn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy lùi tín dụng đen. Định hướng này của VPBank cũng phù hợp với yêu cầu và khuôn khổ pháp lý của NHNN để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận vốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ và NHNN, VPBank đã lập kế hoạch triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục lại sản xuất kinh doanh, khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 (YAGI) gây ra theo chỉ đạo của NHNN.
VPBank đã kịp thời chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời có các biện pháp hỗ trợ.
Với chương trình cho vay nhà ở xã hội, thực hiện theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ ngày 11/03/2023, VPBank đã đăng ký tham gia Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Doanh số giải ngân chương trình đến hết năm 2030 là 5.000 tỷ đồng.
Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh nêu một số kiến nghị, đề xuất cụ thể, đối với các bộ, ban ngành liên quan: Cần có chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng lũ lụt, bão; giãn, hoãn nộp thuế giúp khách hàng sớm phục hồi cuộc sống, trở lại kinh doanh.
Cần hỗ trợ về mặt pháp lý để các công ty bất động sản có thể triển khai dự án, tạo dòng tiền, tạo ra giá trị thặng dư cho xã hội và có dòng tiền trả nợ cho ngân hàng. Cơ quan Công an, Tòa án, cơ quan Thi hành án hỗ trợ thu hồi nợ, thu giữ và xử lý TSBĐ, ưu tiên giải quyết cho các TCTD để thu hồi, bảo đảm an toàn tín dụng cho ngân hàng, có dòng tiền để tái sản xuất, tài trợ cho hoạt động chung.
"Cần xem xét gia hạn Thông tư 06/2024/TT-NHNN ngày 18/06/2024 đến 30/06/2025, đồng thời có hướng dẫn thêm về việc tổ chức tín dụng phân bổ lãi phải thu, phải thoái. Cho phép xây dựng lộ trình thực hiện đối với điểm b khoản 5 điều 4 về mức trích lập dự phòng cụ thể...", đại diện VPBank nêu kiến nghị.
>> Thủ tướng: Hệ thống ngân hàng cần thực hiện '6 tăng, 6 giảm, 6 tăng tốc, bứt phá' 
Chuyên gia gọi tên 2 cổ phiếu ngân hàng ‘hot’, tiềm năng tăng giá trên 20% 
Dự án điện mặt trời Trung Nam khiến cựu Thứ trưởng dính vòng lao lý đang vay ngân hàng nào?