Ngân hàng Nhà nước bơm ròng gần 24.000 tỷ đồng khi tỷ giá 'nhảy múa' trước bầu cử Mỹ
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã bơm ròng liên tiếp trong ngày 28 và 29/10 qua kênh thị trường mở.
Chiều 4/11, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm ròng gần 23.600 tỷ đồng vào thị trường qua kênh thị trường mở trong bối cảnh tỷ giá VND/USD duy trì ở mức cao trên cả thị trường chính thức và tự do. Động thái này phản ánh nỗ lực ổn định thanh khoản của cơ quan điều hành giữa lúc tỷ giá chịu áp lực lớn từ các yếu tố trong và ngoài nước.
Trong phiên giao dịch, 21 thành viên tham gia đấu thầu kênh cầm cố đã trúng thầu toàn bộ giá trị 29.999,97 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 4%/năm. Bên cạnh đó, có 10.000 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, tổng số tiền lưu hành trên kênh cầm cố đạt gần 54.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước cũng phát hành 300 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày với lãi suất 3,9%/năm, trong đó chỉ có 1 thành viên trúng thầu; ngoài ra, có 3.900 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường đạt 82.500 tỷ đồng.
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước |
Việc bơm ròng diễn ra trong bối cảnh nhạy cảm khi tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.253 VND/USD, tăng 11 đồng so với phiên 1/11. Tỷ giá trần và sàn lần lượt ở mức 25.465 và 23.040 VND/USD.
Cùng ngày, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại cũng tăng thêm 10 đồng, đạt mức 25.095-25.465 VND/USD (mua vào – bán ra). Trên thị trường tự do tại Hà Nội, giá USD còn tăng mạnh hơn, đạt 25.780-25.880 VND/USD, tức tăng 90 đồng mỗi chiều.
Những biến động này xuất phát từ xu hướng tăng của USD Index từ tháng 10 đến nay, kết hợp với lãi suất liên ngân hàng giảm dưới 3% khiến chênh lệch lãi suất giữa USD và VND ngày càng mở rộng.
Đồng thời, nhu cầu ngoại tệ tăng cao từ phía doanh nghiệp và Kho bạc Nhà nước càng đẩy tỷ giá lên mức cao. Đến cuối tháng 9, VND đã mất giá khoảng 1,2% so với USD, tuy nhiên, từ tháng 10 trở đi, tỷ giá leo thang mạnh, dẫn đến VND mất giá hơn 4% so với USD.
Trước tình hình này, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục có các biện pháp can thiệp từ ngày 22/10, bao gồm việc hút tiền khỏi hệ thống và bán USD để giảm áp lực tỷ giá. Những động thái này cho thấy quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước trong việc bình ổn thị trường tiền tệ trước áp lực từ thị trường quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp diễn ra vào ngày 5/11.
>> Tỷ giá có dấu hiệu hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng thanh khoản trở lại trong tuần qua 
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bắc Kạn bổ nhiệm Phó Giám đốc mới 
Bổ nhiệm bà Trần Thu Huyền giữ chức Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Ngân hàng Nhà nước