Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Tháp: Nợ xấu đến 1.500 tỷ đồng, chiếm 1,3% tổng dư nợ
Ngân hàng Nhà nước Đồng Tháp ghi nhận sự tăng trưởng khả quan trong quý III/2024, hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Chiều ngày 30/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Tháp (NHNN-ĐT) đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2024 và 9 tháng đầu năm 2024.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Tháp, tính đến ngày 20/9, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã huy động được 69.330 tỷ đồng, tăng 1.331 tỷ đồng so với quý trước và 1.040 tỷ đồng (tương ứng 1,5%) so với đầu năm.
Dư nợ đạt 112.674 tỷ đồng, tăng 4.804 tỷ đồng so với quý trước và 5.841 tỷ đồng (5,5%) so với đầu năm, trong khi nợ xấu ghi nhận là 1.481 tỷ đồng, chiếm 1,3% tổng dư nợ.
Trong thời gian qua, các tổ chức tín dụng tại Đồng Tháp đã nỗ lực đa dạng hóa hình thức và biện pháp tiếp cận để nắm bắt nhu cầu vay vốn, từ đó cung ứng kịp thời cho các phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi. Nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi đã được triển khai, giúp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát triển sản xuất.
Hình ảnh tại hội nghị, nguồn: Internet |
Chương trình “Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp” đã được thực hiện hiệu quả, với ngành ngân hàng thường xuyên cập nhật thông tin về các chính sách ưu đãi vay vốn, tổ chức hội nghị và các hoạt động kết nối để khách hàng dễ dàng tiếp cận các chương trình tín dụng.
Đến nay, NHNN-ĐT đã tiếp nhận hơn 3.300 hồ sơ từ khách hàng doanh nghiệp, tiến hành thẩm định và giải quyết cho vay cho nhiều hồ sơ đủ điều kiện, qua đó hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp phát triển.
Trong những tháng cuối năm, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vào đầu tư tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, ưu tiên cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Các hoạt động cho vay thu mua lúa gạo vụ đông - xuân năm 2024-2025 cũng sẽ được chú trọng, bên cạnh việc nghiên cứu tham gia hiệu quả vào Đề án 1 triệu hecta lúa.
Đặc biệt, ngành ngân hàng sẽ hạn chế tăng trưởng tín dụng ở các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và đẩy mạnh “tín dụng xanh”, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tiếp cận vốn vay, góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen”.
>>Ngân hàng Nhà nước bơm ròng lớn nhất qua kênh OMO kể từ đầu năm 2023 
Nhiều ngân hàng bứt phá tăng trưởng mạnh, liệu Ngân hàng Nhà nước có bỏ room tín dụng? 
Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu lộ trình bỏ room tín dụng