Ngân hàng Silicon Valley sụp đổ liệu có châm ngòi cho khủng hoảng tài chính toàn cầu?

13-03-2023 10:50|Hải Anh

Sau vụ phá sản ngân hàng lớn thứ 2 trong lịch sử, Mỹ có nguy cơ bên bờ vực của cuộc khủng hoảng tài chính kiểu năm 2008.

Ngày 10/3, cơ quan quản lý ngân hàng bang California đã đóng cửa ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và chỉ định Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) làm đơn vị tiếp nhận xử lý tài sản của ngân hàng này. Theo Reuters, SVB là ngân hàng lớn nhất tại Mỹ sụp đổ kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008.

Nguồn gốc của sự sụp đổ của SVB là môi trường lãi suất cao thời gian qua. Lãi suất tăng khiến thị trường phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) của các công ty khởi nghiệp đóng băng, khiến hoạt động huy động vốn trở nên tốn kém hơn và nhiều khách hàng của SVB bắt đầu rút tiền.

Để ứng phó với tình hình, ngày 8/3, SVB đã bán lỗ danh mục trái phiếu trị giá 21 tỷ USD của mình, chủ yếu là trái phiếu kho bạc Mỹ và cho biết sẽ bán 2,25 tỷ USD cổ phiếu phổ thông cũng như cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi.

Động thái này khiến các quỹ đầu tư mạo hiểm sốt sắng. Founders Fund, Coatue Management và Union Square Ventures đồng loạt chỉ đạo bộ phận đầu tư của mình rút tiền khỏi nhà băng. Đến ngày 10/3, SVB phải từ bỏ nỗ lực huy động vốn mới hay tìm người mua. Cổ phiếu của ngân hàng bị tạm dừng giao dịch.

cp-svb.png

Ngay sau sự sụp đổ của SVB, bà Stephanie Pomboy - nhà kinh tế Mỹ nổi tiếng với những dự đoán chuẩn xác về bong bóng nhà ở đầu những năm 2000 của Mỹ và sự sụp đổ tài chính toàn cầu năm 2008, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng, một loạt các vụ phá sản ngân hàng và tiền điện tử gần đây có thể là khởi đầu của một cuộc khủng hoảng tài chính khác.

Người sáng lập công ty nghiên cứu kinh tế MacroMavens cho biết: “Những gì chúng ta đang phải đối mặt hiện nay thực sự nghiêm trọng. Chúng ta đang trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng tài chính kiểu năm 2008”.

Pomboy đưa ra đánh giá sau khi các cơ quan quản lý liên bang đóng cửa Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) hôm 10/3 - vụ phá sản lớn thứ 2 trong lịch sử ngân hàng Mỹ. Sự sụp đổ của SVB xảy ra sau khi ngân hàng cho vay tiền điện tử Silvergate Bank cũng đóng cửa vào tuần qua, cũng như vụ phá sản vào mùa thu năm ngoái của các công ty tiền điện tử FTX, BlockFi và Three Arrows Capital.

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Joe Biden phản ứng bằng cách cố gắng xoa dịu những lo ngại về một cuộc khủng hoảng rộng lớn hơn.

Ngày 10/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ra tuyên bố khẳng định hệ thống ngân hàng Mỹ “vẫn kiên cường và các cơ quan quản lý có các công cụ hiệu quả để giải quyết những sự cố như thế này”. Bên cạnh đó, những lo ngại về sự ổn định của hệ thống tài chính trong vụ việc lần này cũng ít hơn bởi Mỹ đã cải tổ nhiều quy định về quản lý ngân hàng từ sau khủng hoảng tài chính 2008.

Chuyên gia kinh tế Pomboy lại tỏ ra không thuyết phục, chế giễu bà Yellen vì tập trung vào “sự đa dạng, công bằng và hòa nhập” ở thời điểm mà việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhanh chóng đang phơi bày sự mong manh của hệ thống tài chính quốc gia ngập trong nợ nần.

Nhà kinh tế nói: “Không thể tăng lãi suất theo kiểu kỷ lục đối với một nền kinh tế đang sử dụng đòn bẩy kỷ lục ở mức đầu cơ tối đa mà không có hậu quả. Hậu quả rõ ràng sẽ xảy ra, và bây giờ chúng ta đang chứng kiến ​​những mắt xích yếu trong chuỗi đứt gãy. Những lĩnh vực đầu cơ tràn lan và nghiêm trọng nhất rõ ràng đang giảm xuống”.

Bà Pomboy nói thêm, nhiều năm chấp nhận rủi ro quá mức đang “tác động ngược trở lại” và dự đoán rằng tình hình sẽ “xấu đi rất nhanh”.

Ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Vivek Ramaswamy lập luận, giống như trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, một phần xuất phát từ việc chính phủ liên bang thúc đẩy giảm bớt tiêu chuẩn tín dụng cho các cộng đồng có thu nhập thấp, sự thất bại của SVB có thể được thúc đẩy bởi chính trị.

Trong trường hợp của SVB, việc tập trung vào cái gọi là "tài chính bền vững" hay ESG, có thể góp phần dẫn đến các quyết định cho vay sai lầm. “Khi chúng ta không rút ra bài học, lịch sử sẽ lặp lại” - ông Ramaswamy nói.

Tỷ phú đầu tư Bill Ackman cũng đưa ra cảnh báo, vụ sụp đổ của SVB tương tự như vụ đóng của Bear Stearns - ngân hàng đầu tiên sụp đổ trong giai đoạn đầu khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008. Ông cho rằng rủi ro sụp đổ và mất tiền gửi khiến những ngân hàng có mức an toàn vốn thấp đối mặt nguy cơ bị rút tiền ồ ạt. “Hiệu ứng domino sẽ xảy ra", vị tỷ phú nhận định trên Twitter.

Ảnh hưởng của chính quyền Trump 2.0 với Silicon Valley ngày càng lớn

Khu vực giữ vai trò chiến lược trong bức tranh quy hoạch đô thị của TP. HCM: Tương lai sẽ là "Silicon Valley" của Việt Nam

Bài thuộc chủ đề Ngân hàng
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ngan-hang-silicon-valley-sup-do-lieu-co-cham-ngoi-cho-khung-hoang-tai-chinh-toan-cau-173198.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Ngân hàng Silicon Valley sụp đổ liệu có châm ngòi cho khủng hoảng tài chính toàn cầu?
    POWERED BY ONECMS & INTECH