Vụ bê bối thử nghiệm ở Nhật Bản ngày càng mở rộng, thậm chí được so sánh với sự cố phát thải “dieselgate” đã đánh gục hãng ô tô Đức Volkswagen vào năm 2015.
Mới đây, Honda Motor  đã trở thành nhà sản xuất ô tô thứ tư của Nhật Bản bị Bộ Giao thông Vận tải nước này kiểm tra về các cuộc thử nghiệm không đúng quy định đối với chứng nhận xe, khi một số tờ báo địa phương cảnh báo về một “ngày thanh trừng” đối với ngành này.
Vụ bê bối ngày càng lan rộng mà các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đang đối mặt đã được so sánh với vụ bê bối khí thải “dieselgate” của “gã khổng lồ” ô tô Đức Volkswagen vào năm 2015.
Các quan chức của Bộ giao thông Nhật Bản vào trụ sở của Honda Motor ở Tokyo để tiến hành kiểm tra. Ảnh: Kyodo |
Theo SCMP, ngoài Honda, các thanh tra của Bộ đã đến thăm trụ sở của Toyota Motor, Yamaha Motor và Suzuki Motor, dự kiến sẽ có cuộc điều tra tiếp theo tại Mazda Motor.
Tổng cộng, 38 mẫu xe của Honda, Toyota , Yamaha và Suzuki bị phát hiện không đạt được chứng nhận phù hợp về an toàn và hiệu suất môi trường, dựa trên tuyên bố của các công ty và báo cáo truyền thông. Bộ đã ra lệnh cho các nhà sản xuất tạm dừng xuất xưởng 6 mẫu xe vẫn đang được sản xuất.
Những sai lệch trong quy trình thử nghiệm chứng nhận cũng đã xuất hiện vào năm ngoái tại Daihatsu Motor và Toyota Industries, cả hai đều thuộc Tập đoàn Toyota.
Sau đó, Bộ đã chỉ đạo 85 công ty trong lĩnh vực ô tô điều tra mọi sai lệch so các quy trình thử nghiệm yêu cầu trong vòng 10 năm qua và báo cáo lại kết quả.
Niềm tin vào các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản bị lung lay
Hệ thống chứng nhận rất quan trọng để đánh giá liệu một chiếc xe có đáp ứng các yêu cầu về an toàn và các yêu cầu khác hay không. Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản phải đảm bảo mẫu xe mới được chứng nhận trước khi bán và thông báo cho Bộ chứng nhận mà không cần phải tiến hành kiểm tra bên ngoài.
Một nhà kinh tế học tại Tokyo cho biết, việc tự kiểm soát an toàn và chứng nhận trước đây đã tỏ ra có vấn đề đối với các công ty trong nhiều ngành công nghiệp trên toàn thế giới.
“Chúng tôi đã thấy điều này xảy ra vô số lần, khi những người ở cấp bộ phận phải chịu áp lực quá lớn đến mức họ bắt đầu cắt giảm quy trình, bịa ra kết quả và sau đó mọi người đều bị cuốn vào việc che đậy nó”, ông nói.
“Một yêu cầu tiên quyết là các nhà sản xuất phải tiến hành các thử nghiệm đúng quy định,” theo một bài xã luận trên báo Yomiuri, nêu rõ những thiếu sót của hệ thống chứng nhận hiện tại của Nhật Bản đối với các nhà sản xuất ô tô. “Nếu họ thực hiện các thử nghiệm gian lận, nền tảng của hệ thống sẽ bị lung lay.”
“Việc kiểm tra chứng nhận gian lận không ngừng xảy ra kể từ khi những hành vi như vậy bị phát hiện tại Mitsubishi Motors Corp 8 năm trước”, bài viết bổ sung.
Tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn Nhật Bản
Tuy nhiên, Takaki Nakanishi, Giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu Nakanishi có trụ sở tại Tokyo và là chuyên gia trong lĩnh vực ô tô, cho biết truyền thông trong nước đã phóng đại mức độ của vụ việc nhưng làn sóng quan tâm này vẫn có thể gây tổn hại cho các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản.
Ông Nakanishi cho biết: “Bộ Giao thông Vận tải muốn tiếp tục sử dụng hệ thống kiểm tra và chứng nhận của Nhật Bản, mặc dù hệ thống đó đã khá cũ. Tuy nhiên, Toyota và các công ty khác cho biết họ muốn thử nghiệm và chứng nhận theo các quy tắc toàn cầu được Mỹ và các nước châu Âu tuân theo, đồng thời đặt ra các điều kiện thậm chí còn cao hơn”.
Các nhà sản xuất Nhật Bản  “đang sản xuất những chiếc ô tô tốt hơn tiêu chuẩn Nhật Bản yêu cầu, nhưng do không tuân theo các quy định trong nước, họ đã vi phạm”, ông nói.
Ông Nakanishi cho biết những vấn đề được Bộ xác định không phải là hiện tượng mới, như đã thấy trong vụ bê bối liên quan đến Mitsubishi vào năm 2016 khi công ty bị phát hiện làm giả dữ liệu tiết kiệm nhiên liệu trong hơn 20 năm.
Ông cho biết thêm, nhiều cuộc thử nghiệm mà các nhà sản xuất ô tô đã thực hiện đã đáp ứng các tiêu chuẩn chứng nhận cao hơn ở thị trường nước ngoài. Ví dụ, trong một thử nghiệm an toàn, Toyota đã sử dụng hình nộm thử nghiệm va chạm nặng 1,8 tấn, thay vì 1,1 tấn theo yêu cầu của luật Nhật Bản và gửi dữ liệu cho chính quyền địa phương.
“Tôi không nghĩ đó là hành vi ác ý và những chiếc xe này đều vượt tiêu chuẩn yêu cầu, nhưng việc đưa tin trên các phương tiện truyền thông trong nước đã quá mức và mặc dù không có chiếc xe nào trong số này dành cho thị trường xuất khẩu, truyền thông đang hủy hoại danh tiếng toàn cầu của các công ty Nhật Bản,” ông nhấn mạnh.
Ông Nakanishi bày tỏ công chúng Nhật Bản nên yên tâm rằng dữ liệu không chính xác xuất phát từ các cuộc kiểm tra nghiêm ngặt hơn mức yêu cầu của pháp luật và niềm tin vào các thương hiệu ô tô Nhật Bản không bị lung lay kể cả trong nước hay nước ngoài.
Ông nói: “Có thể mất một chút thời gian, nhưng tôi nghĩ người tiêu dùng hiểu tầm quan trọng của chất lượng tốt và hiệu suất cao của các mẫu xe Nhật Bản”. “Tôi tin tưởng rằng bất kỳ sự suy giảm niềm tin nào cũng sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.”
'Biến' mới ở Toyota sau bê bối gian lận an toàn: 2 ngân hàng lớn rút vốn 8,5 tỷ USD 
Toyota Nhật bản bị kiểm tra 7 mẫu xe vì gian lận thử nghiệm an toàn