Vĩ mô

Ngành tài chính quyết liệt triển khai nhiệm vụ từ đầu năm

Anh Minh 21/02/2024 - 13:56

Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 và Chính phủ đã đặt ra phương châm hành động. Bộ Tài chính đã yêu cầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong toàn ngành tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2024.

Ngành tài chính quyết liệt triển khai nhiệm vụ từ đầu năm- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời phỏng vấn báo chí về quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024 nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn.

(TyGiaMoi.com) - Quyết liệt từ đầu năm

Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 và Chính phủ đã đặt ra phương châm hành động. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết: Bộ Tài chính đã yêu cầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong toàn ngành tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2024.

Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị tiếp tục giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tài chính – ngân sách, chính sách pháp luật về thu NSNN, tăng cường quản lý thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, quản lý chi ngân sách Nhà nước (NSNN) chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại chi NSNN gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững...Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng yêu cầu đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Song song với đó, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị gắn với tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập; Thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước gắn với đổi mới quản trị doanh nghiệp.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số; tiếp tục cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng tính công khai, minh bạch; Tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong quản lý thu, chi NSNN, tài sản công, đất đai, tài nguyên...

"Các đơn vị của ngành Tài chính căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình phải xây dựng chương trình, kế hoạch hành động triển khai thực hiện có hiệu quả, trong đó, xác định rõ, đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện và phân công đơn vị chủ trì; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện. Chúng tôi yêu cầu phải triển khai quyết liệt, có hiệu quả ngày từ ngày đầu, tháng đầu của năm", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Ngành tài chính quyết liệt triển khai nhiệm vụ từ đầu năm- Ảnh 2.

Phối hợp đồng bộ hơn phát triển bền vững các thị trường

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, các thị trường tài chính trong thời gian qua chịu nhiều tác động từ cả yếu tố khách quan và chủ quan, từ cả tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế. Những tác động đó đã làm thị trường chứng khoán (TTCK) có nhiều biến động, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ, cũng như thị trường bảo hiểm gặp phải khó khăn, thách thức.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan hữu quan, các giải pháp kịp thời, phù hợp của các cơ quan quản lý, sự nỗ lực của doanh nghiệp, sự đồng thuận của nhà đầu tư, người dân…. các thị trường tài chính tiếp tục được củng cố, tháo gỡ, xử ký kịp thời khó khăn vướng mắc để ngày càng phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch và ngày càng bền vững hơn. Lãnh đạo Bộ Tài chính có nhiều giải pháp nhằm kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, hoàn thiện pháp luật, thúc đẩy sự minh bạch, chặt chẽ, chẳng hạn như thành lập sàn giao dịch TPDN riêng lẻ…

Người đứng đầu Bộ Tài chính nhấn mạnh: Để thị trường TPDN phát triển đúng với tiềm năng và vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, cần có sự "chung tay góp sức" của tất cả các chủ thể tham gia trên thị trường. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành cần thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tháo gỡ khó khăn, ổn định thị trường bất động sản; nghiên cứu chính sách khuyến khích xếp hạng tín nhiệm...

Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp với các bộ ngành để rà soát tổng thể, nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến phát hành TPDN riêng lẻ tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp...

Về lâu dài, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phát triển hệ thống các nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư (gồm quỹ đầu tư trái phiếu), tăng cường nguồn lực, nhân sự để quản lý, giám sát và phát hiện xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán, thị trường TPDN. Riêng các doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu phải có trách nhiệm đến cùng về việc thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ trái phiếu cho nhà đầu tư để đảm bảo uy tín trên thị trường.

Doanh nghiệp cũng phải chủ động minh bạch hóa thông tin tình hình tài chính, tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu... Tuy nhiên, theo tôi, nhà đầu tư cần phân biệt rõ TPDN không phải là tiền gửi ngân hàng và đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.

Nhằm giảm thiểu sự tác động tiêu cực tới doanh nghiệp cũng như môi trường đầu tư của Việt Nam, Chính phủ đang giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ ngành và địa phương xây dựng các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế.

Riêng năm 2023 này, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và các đơn vị liên quan ưu tiên thực hiện nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Trong đó, UBCKNN cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp lý, nhanh chóng tổng rà soát các văn bản pháp lý để kiện toàn hệ thống quy định pháp luật, đảm bảo cho thị trường vận hành ổn định, thông suốt, an toàn, lành mạnh, bền vững. Xây dựng các kế hoạch, giải pháp đồng bộ, cụ thể để triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 khi được Thủ tướng phê duyệt; tiếp tục cơ cấu lại thị trường chứng khoán dựa trên 4 trụ cột gồm: tổ chức thị trường; cơ sở hàng hóa; cơ sở nhà đầu tư; và các tổ chức kinh doanh chứng khoán.

"Cần tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát, trong đó, cần nêu rõ thông điệp là hỗ trợ tối đa, đúng pháp luật đối với các tổ chức, nhà đầu tư chân chính nhưng cũng xử lý các sai phạm một cách nghiêm minh, minh bạch, mang tính tiêu biểu để tăng tính răn đe, tăng cường kỷ cương, kỷ luật thị trường...", lãnh đạo Bộ Tài chính lưu ý.

Lãnh đạo Bộ Tài chính thẳng thắn cho rằng, các yếu tố khó lường đối với các thị trường tài chính vẫn hiện hữu trong năm nay; tuy nhiên, với nền tảng đã xây dựng, các giải pháp đã triển khai và sự chủ động vào cuộc ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của cơ quan quản lý các cấp, các thị trường tài chính sẽ tiếp tục có những bước chuyển tích cực hơn về chất lượng và tính lành mạnh, bền vững.

Nhìn lại năm 2023, ngoại giao kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh trên cơ sở quán triệt sâu sắc chủ trương Đại hội XIII của Đảng về "xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ". Chính phủ cũng đã đánh giá, công tác ngoại giao kinh tế thời gian qua đã có những bước phát triển mới theo hướng toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn.

Hoạt động đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại cấp cao trong năm qua đã giúp mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế với nhiều đối tác, góp phần bảo đảm kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thu hút nhiều nguồn lực mới, bao gồm cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư gián tiếp (FII), viện trợ không hoàn lại (ODA), khoa học công nghệ...

Trong xu thế đó, ngành tài chính nhiều năm qua đã luôn chú trọng công tác này, đặc biệt là trong năm 2023 vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực bước đầu để tận dụng thời cơ của một năm "thành công rực rỡ" của ngoại giao kinh tế đất nước.

Thời gian qua, chúng ta đã có nhiều thành công thông qua các chỉ tiêu về nợ công quốc gia, nợ Chính phủ từ 43,1% năm 2021 xuống còn 37% năm 2023. Bên cạnh đó, các chương trình xúc tiến đầu tư gián tiếp tại nước ngoài đã được triển khai từ năm 2014.

Các chương trình xúc tiến đầu tư đã góp phần quan trọng quảng bá tiềm năng của nền kinh tế nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng tới cộng đồng đầu tư quốc tế giúp thu hút nguồn… tài chính dài hạn, lãi suất thấp phục vụ phát triển kinh tế.

Năm 2024 này, trên cơ sở kinh nghiệm và kết quả tích cực đạt được của các năm trước, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư gián tiếp tại nước ngoài để quảng bá và thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn nước ngoài tham gia vào TTCK Việt Nam; đồng thời tăng cường kết nối, xây dựng, củng cố quan hệ hợp tác với cơ quan quản lý TTCK, các định chế, tổ chức tài chính, đầu tư lớn trên thế giới.

Trước mắt, dự kiến trong tháng 3 tới, Bộ Tài chính sẽ tổ chức Chương trình Xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc và Nhật Bản để tiếp tục thu hút vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam.

Năm 2023 tiếp tục là một năm thành công trong kiểm soát bội chi; đồng thời, quản lý nợ công cũng là một điểm sáng trong điều hành chính sách tài khóa thời gian qua, được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và các tổ chức quốc tế đánh giá là bền vững, có nhiều dư địa để thực hiện các chính sách tài khóa mở rộng.

Ước tỷ lệ bội chi ngân sách năm 2023 dưới 4% so với mức 4,42% Quốc hội cho phép, nợ công khoảng 37% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần 60% Quốc hội đề ra. Nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn nhiều so với trần 50%. Không những thế, cơ cấu nợ tích cực, dư nợ trong nước tăng lên, nợ nước ngoài giảm dần. Với mức nợ thấp so với trần như hiện nay và cơ cấu nợ thuận lợi sau một thời gian Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ cơ cấu lại nợ công, Việt Nam có nhiều dư địa vay nợ công để triển khai vay vốn cho những dự án lớn là động lực của nền kinh tế, tạo ra hiệu quả kinh tế nhanh nhất và bền vững nhất.

>> 17 vị trí việc làm viên chức chuyên ngành tài chính

17 vị trí việc làm viên chức chuyên ngành tài chính

Điểm tin ngân hàng tuần qua: Rất nhiều tin 'nóng' diễn ra với ngành tài chính

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/nganh-tai-chinh-quyet-liet-trien-khai-nhiem-vu-tu-dau-nam-102240221113603952.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Ngành tài chính quyết liệt triển khai nhiệm vụ từ đầu năm
    POWERED BY ONECMS & INTECH