Nghịch lý: CTCK vốn 17.600 tỷ đồng chỉ đem 9,5 tỷ đi tự doanh cổ phiếu niêm yết
Nửa đầu năm 2024, doanh thu hoạt động tự doanh của Chứng khoán MB (MBS) tăng gần 3,5 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên biên lãi gộp giảm sốc từ 96,3% về còn 19%.
Doanh thu tự doanh tăng mạnh, hiệu quả giảm sâu
Như đã thông tin, CTCP Chứng khoán MB (Mã MBS  - HNX) mới đây công bố kết quả kinh doanh quý II/2024 ghi nhận tín hiệu khởi sắc với 883 tỷ đồng doanh thu hoạt động - tăng 482 tỷ so với cùng kỳ năm trước (YoY); lãi sau thuế đạt 217 tỷ đồng - tăng gần 76% YoY.
Lũy kế bán niên 2024, Chứng khoán MB ghi nhận doanh thu tăng gấp 2,1 lần cùng kỳ lên mức 1.557 tỷ đồng; lãi sau thuế tăng hơn 1,6 lần lên mức 400 tỷ. Các kết quả này đều vượt 50% kế hoạch cả năm.
Trong cấu phần doanh thu quý II, hoạt động tự doanh ghi nhận mức tăng gần 5 lần lên 341 tỷ đồng qua đó trở thành mũi doanh thu chủ lực của MBS.
Sau 6 tháng, doanh thu mảng này đạt 481 tỷ đồng gấp gần 3,5 lần YoY và đứng thứ 2 về tỷ trọng sau lãi cho vay và phải thu (đạt 522 tỷ đồng). Phần lớn nguồn thu hoạt động tự doanh đến từ lãi bán các tài sản tài chính FVTPL với gần 480 tỷ.
Doanh thu hoạt động quý II và bán niên 2024 của Chứng khoán MB |
Ở chiều ngược lại, chi phí hoạt động tự doanh của MBS trong quý II tăng gấp 57 lần YoY lên mức 287 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng tăng 75,5 lần lên mức 389 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận gộp mảng tự doanh sau hai quý đầu năm 2024 đạt 92 tỷ đồng; biên lãi gộp đạt 19%.
Cùng thời điểm, bán niên 2023, dù chỉ ghi nhận gần 139 tỷ đồng doanh thu hoạt động tự doanh song MBS thu về tới 133,7 tỷ đồng lợi nhuận gộp; biên lãi gộp mảng này đạt tới 96,3%.
Làm ngơ với đầu tư cổ phiếu niêm yết?
Có thể thấy, dù ghi nhận doanh thu tự doanh phình to trong quý II và nửa đầu năm 2024 song hiệu quả hoạt động mảng này của MBS đã giảm rất mạnh. Điều này có thể được giải thích bởi quý II/2023 thị trường chứng khoán bắt đầu bước vào nhịp tăng mạnh hơn 200 điểm (kéo dài từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 8). Trong khi đó, quý II/2024, VN-Index bắt vào nhịp tích lũy và rung lắc sau đà tăng liên tục từ tháng 11/2023 đến giữa tháng 4/2024).
Diễn biến chỉ số VN-Index |
Thuyết minh doanh mục FVTPL của MBS đến cuối quý II cho thấy giá gốc đầu tư là 1.591 tỷ đồng, giá hợp lý là 1.600 tỷ. Tuy nhiên, cấu phần danh mục chủ yếu là trái phiếu niêm yết (843 tỷ đồng), giấy tờ có giá khác (hơn 689 tỷ đồng) và chứng chỉ quỹ chưa niêm yết (68,7 tỷ đồng - giá hợp lý là 67,3 tỷ). Riêng hai khoản phục lớn nhất đã được MBS "bơm" thêm hàng trăm tỷ đồng so với đầu năm.
Trong khi đó, danh mục tự doanh cổ phiếu niêm yết chỉ còn 77 triệu đồng giá gốc - giảm tới 98,5% so với con số 46,3 tỷ hồi đầu năm.
Với danh mục tài sản đầu tư sẵn sàng để bán (AFS), giá trị gốc đầu tư cũng tăng thêm 620 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy nhiên, phần tăng chủ yếu được ghi nhận ở phần trái phiếu chưa niêm yết với gần 1.890 tỷ đồng. Ngược lại, danh mục cổ phiếu niêm yết chỉ có giá gốc gần 9,4 tỷ đồng và cổ phiếu chưa niêm yết 118 tỷ (trích lập dự phòng 82,6 tỷ đồng).
Đến cuối tháng 6, giá trị gốc đầu tư các mảng tự doanh (FVTPL), HTM, AFS, cho vay và phải thu của Chứng khoán MB đều tăng hàng trăm tỷ so với đầu năm. Tuy nhiên, giá trị gốc danh mục đầu tư cổ phiếu niêm yết chỉ vỏn vẹn 9,5 tỷ đồng - gần như không đáng kể so với khối tài sản gần 17.600 tỷ của công ty.
Cơ cấu tài sản ngắn hạn của Chứng khoán MB đến cuối quý II/2024 |
Trong báo cáo "Vượt qua thách thức, vững bước tiến lên", Chứng khoán MB nhận định VN-Index chưa đạt đỉnh và có thể sẽ đạt 1.350-1.380 điểm đến cuối năm.
Dù lạc quan với thị trường song có vẻ như cho vay margin, đầu tư trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi mới là "miếng bánh" đang được MBS ưu tiên thay vì hoạt động tự doanh cổ phiếu vốn nhiều rủi ro và biến động.