Nghiên cứu chỉ ra một loại đồ uống khiến 340.000 người tử vong mỗi năm: Người Việt cũng vô cùng yêu thích mà không hay biết nguy cơ tiềm ẩn
Khoảng 340.000 ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu liên quan đến biến chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2 và tim mạch, xuất phát từ thói quen uống loại đồ uống này.
Một nghiên cứu mới trên tạp chí Nature đã tiết lộ tác động nghiêm trọng của việc tiêu thụ đồ uống có đường. Theo nghiên cứu, khoảng 340.000 ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu liên quan đến biến chứng của bệnh tiểu đường  tuýp 2 và bệnh tim mạch, xuất phát từ thói quen uống nước ngọt thường xuyên.
Ngoài ra, năm 2020, đồ uống có đường được xác định gây ra 2,2 triệu ca mắc mới bệnh tiểu đường tuýp 2 và 1,2 triệu ca mắc bệnh tim mạch. Tình hình đáng báo động tại các nước châu Phi phía Nam sa mạc Sahara và Mỹ Latin, nơi gánh nặng bệnh tật từ đồ uống có đường đang tăng mạnh.
Sự gia tăng tiêu thụ đồ uống có đường tại các khu vực trên chủ yếu xuất phát từ chiến lược mở rộng thị trường của các công ty nước ngọt, nhằm bù đắp sự sụt giảm doanh số tại các thị trường truyền thống như Bắc Mỹ và châu Âu.
Theo The New York Times, con số ước tính 340.000 ca tử vong hàng năm đã tăng đáng kể so với các báo cáo trước đây về tác động của đồ uống có đường đến sức khỏe toàn cầu. Một nghiên cứu năm 2015, đăng trên tạp chí Circulation, cho biết vào năm 2010, khoảng 184.000 ca tử vong trên thế giới liên quan đến việc tiêu thụ đồ uống có đường.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science vào tháng 11/2024 đã đưa ra kết luận đáng lo ngại: việc tiêu thụ nhiều đường trong hai năm đầu đời có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và huyết áp cao khi trưởng thành.
Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Nam California (Mỹ) đã phân tích dữ liệu từ giai đoạn phân phối đường theo tem phiếu ở Anh vào những năm 1950. Kết quả chỉ ra rằng trẻ em bắt đầu tiêu thụ đường từ 6 tháng tuổi có nguy cơ mắc các bệnh mãn tính  cao hơn đáng kể trong các thập kỷ tiếp theo.
Đáng chú ý, việc thai nhi phơi nhiễm đường thông qua chế độ ăn của mẹ cũng làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường và huyết áp cao so với những trẻ được thụ thai trong giai đoạn hạn chế tiêu thụ đường.
Theo nhà kinh tế học Tadeja Gračner, trưởng nhóm nghiên cứu, so sánh sức khỏe giữa những người sinh ra trong thời kỳ tem phiếu (từ tháng 10/1951 - 6/1954) và giai đoạn sau (từ tháng 7/1954 - 3/1956) cho thấy nhóm hạn chế đường có nguy cơ mắc tiểu đường thấp hơn 35% và nguy cơ cao huyết áp thấp hơn 20%.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến nghị không nên quá lo ngại. Bà Tadeja Gračner nhấn mạnh rằng phụ nữ mang thai và các bậc cha mẹ không cần loại bỏ hoàn toàn đường khỏi khẩu phần ăn, mà điều quan trọng là duy trì mức tiêu thụ hợp lý. Tại Mỹ, phụ nữ mang thai và cho con bú hiện đang tiêu thụ lượng đường cao gấp ba lần mức khuyến nghị.
4 người nhập viện cấp cứu do uống rượu: Hàm lượng 'độc tố' cao hơn 2.300 lần cho phép 
Đồ uống khoái khẩu của nhiều người Việt liên quan 30 căn bệnh, chấn thương