Tài chính Ngân hàng

Ngoài sinh trắc học, khách hàng chuyển khoản trên 10 triệu đồng bắt buộc phải xác thực thêm bước này

Chi Hạ 07/01/2025 12:46

Thông tư 50 của NHNN đã phân chia các giao dịch thanh toán trực tuyến thành 4 loại, mỗi loại tương ứng với hình thức xác nhận khác nhau.

Thông tư 50/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành Ngân hàng đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025.

Theo đó, Thông tư 50 phân chia các giao dịch thanh toán trực tuyến thành 4 loại: Giao dịch loại A, Giao dịch loại B, Giao dịch loại C và Giao dịch loại D. Mỗi loại giao dịch sẽ tương ứng với hình thức xác nhận giao dịch khác nhau.

Đáng chú ý, Giao dịch loại C bao gồm giao dịch chuyển khoản giữa các tài khoản thanh toán, thẻ, ví điện tử của các chủ tài khoản, chủ thẻ, chủ ví điện tử khác nhau có giá trị trên 10 triệu đồng.

Đối với loại giao dịch này, khách hàng phải sử dụng hình thức xác nhận giao dịch bằng OTP (SMS/Voice, Soft OTP/Token OTP loại cơ bản hoặc chữ ký điện tử) và kết hợp khớp đúng thông tin sinh trắc học.

Ngoài sinh trắc học, khách hàng chuyển khoản trên 10 triệu đồng bắt buộc phải xác thực thêm bước này
Hình thức xác nhận đối với mỗi loại giao dịch. Nguồn: Thông tư 50

Theo Điều 11 của Thông tư này, hình thức xác nhận khớp đúng thông tin sinh trắc học là việc đối chiếu, so sánh để bảo đảm trùng khớp thông tin sinh trắc học của khách hàng đang thực hiện giao dịch với thông tin sinh trắc học của khách hàng đã thu thập, lưu trữ tại đơn vị theo quy định của Thống đốc NHNN.

Với mỗi hình thức xác thực thông tin sinh trắc học, khách hàng phải đáp ứng các yêu cầu tương ứng. Cụ thể, hình thức khớp đúng thông tin sinh trắc học sử dụng khuôn mặt phải có độ chính xác được xác định theo tiêu chuẩn quốc tế, có khả năng phát hiện tấn công giả mạo thông tin sinh trắc học của vật thể sống để phòng, chống gian lận, giả mạo khách hàng qua hình ảnh, video, mặt nạ 3D.

Trường hợp áp dụng các hình thức khớp đúng thông tin sinh trắc học khác phải bảo đảm phòng, chống gian lận, giả mạo khách hàng theo tiêu chuẩn tương đương.

Trường hợp xác nhận khớp đúng thông tin sinh trắc học quá số lần sai liên tiếp do đơn vị quy định (nhưng không quá 10 lần) thì khóa chức năng thực hiện xác nhận giao dịch bằng hình thức này. Các đơn vị chỉ mở khóa khi khách hàng yêu cầu và phải kiểm tra khách hàng trước khi thực hiện để chống gian lận, giả mạo.

Thời gian thực hiện khớp đúng thông tin sinh trắc học tối đa 3 phút.

Ngoài ra, Thông tư 50 cũng quy định chi tiết về hình thức xác thực khác như OTP, Soft OTP/Token OTP, chữ ký điện tử,…Trong đó, thời gian hiệu lực của SMS OTP tối đa là 5 phút, Voice OTP 3 phút, Email OTP 5 phút, trong khi Soft OTP, Token OTP và Thẻ ma trận OTP chỉ có hiệu lực trong 2 phút.

Những yêu cầu này nhằm đảm bảo tính bảo mật cao hơn, hạn chế rủi ro gian lận trong giao dịch trực tuyến. Các quy định mới không chỉ đặt ra tiêu chuẩn bảo mật nghiêm ngặt mà còn khuyến khích ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý giao dịch, đồng thời bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân của khách hàng.

>> Thanh toán hóa đơn mua sắm, điện nước… bằng thẻ trực tuyến trên 5 triệu đồng bắt buộc phải thực hiện việc này

Thanh toán hóa đơn mua sắm, điện nước… bằng thẻ trực tuyến trên 5 triệu đồng bắt buộc phải thực hiện việc này

Ngân hàng ngoại tại Việt Nam chưa xác thực sinh trắc học chuyển tiền

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ngoai-sinh-trac-hoc-khach-hang-chuyen-khoan-tren-10-trieu-dong-bat-buoc-phai-xac-thuc-them-buoc-nay-270011.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Ngoài sinh trắc học, khách hàng chuyển khoản trên 10 triệu đồng bắt buộc phải xác thực thêm bước này
    POWERED BY ONECMS & INTECH