Ngôi chùa được bao quanh bởi 8 ngọn núi, xây dựng trên ‘thung lũng của Mãng xà vương’ với diện tích hơn 150ha, nắm giữ nhiều kỷ lục thế giới nhất xứ mặt trời mọc
Được bao bọc bởi 8 ngọn núi tượng trưng cho hoa sen 8 cánh, ngôi chùa này được xem là một trong những trung tâm Phật giáo lớn nhất thế giới.
Ngôi chùa của những kỷ lục thế giới
Vương Đường Phật Giáo có tên chính xác là Niệm Phật Tông Tam Bảo Sơn Vô Lượng Thọ Tự, thuộc hệ phái Dung Thông Niệm Phật Tông. Tông phái này tôn Đức Phật A Di Đà làm Đức Giáo Chủ. Tự viện nằm ở trung tâm Nhật Bản, có diện tích hơn 150ha, được bao quanh bởi 8 ngọn núi, biểu tượng cho hoa sen 8 cánh. Theo truyền thuyết, khu vực này trước đây được biết đến với tên gọi là Thung lũng Mãng xà vương.
Hòa thượng Shinku Miyagawa, một giáo phẩm lãnh đạo cao cấp của tông phái Niệm Phật Tông, kể rằng một đêm, hòa thượng tiến sĩ Enshinjoh đã có một giấc mơ đặc biệt. Trong giấc mơ đó, khi tia sáng bình minh lóe lên, hòa thượng tiến sĩ Enshinjoh thấy những con rắn bò khắp nơi. Mãng xà vương nằm cuộn tròn, đột nhiên nó tỉnh dậy, uốn cong như cây cung và nói rằng: “Kính bạch ngài, trong một thời gian dài, chúng con đã chờ đợi để có ngày hôm nay. Chúng con rất hoan hỷ dâng cúng vùng đất này cho ngài, vùng đất mà chúng con đã bảo vệ bằng sinh mệnh của chúng con. Xin ngài hoan hỷ sử dụng vùng đất này. Chúng con nguyện muôn kiếp hộ trì vùng đất này”. Sau đó, những con rắn biến mất, để lại Hòa thượng một mình giữa cảnh đẹp của hoa cỏ và ánh sáng rực rỡ. Mãng xà vương ở Nhật Bản thường được coi là biểu tượng của sự bảo vệ chính pháp. Hòa thượng Enshinjoh tin rằng đó là một vùng đất duy nhất xứng đáng để xây dựng một trung tâm quy hướng tâm linh cho đạo Phật trên toàn thế giới.
Giấc mơ của hòa thượng tiến sĩ Enshinjoh đã trở thành hiện thực. Vương Đường Phật Giáo tọa lạc trong khuôn viên của Vô Lượng Thọ tự, là ngôi chùa  có diện tích khuôn viên lớn nhất tại Nhật Bản hiện nay. Với tổng diện tích hơn 150ha, Vô Lượng Thọ tự đã hoàn thành sau 7 năm xây dựng với tổng kinh phí hơn 60 triệu yên Nhật (hơn 10 tỷ đồng) và sự đóng góp của hơn 3,5 triệu tín đồ Phật tử.
Ngôi chùa này nổi tiếng với nhiều công trình kiến trúc  được Kỷ lục Guinness Thế giới công nhận, bao gồm Đại Hùng Bảo Điện, Ngũ Tầng Tháp, Thánh Đức Thái Tử Đường, cặp đèn bằng đá hoa cương cao 12m, được xem là cặp đèn cao nhất trên thế giới. Ngoài ra, cổng sơn môn lớn nhất thế giới tại đây có chiều cao 35,6m, chiều ngang 35,5m, và chiều rộng 13,8m.
Khám phá ngôi chùa có diện tích lớn nhất Nhật Bản
Để đến được cổng Sơn Môn này, du khách phải đi qua cây cầu Chân Như dài 141m, qua Cảnh Nguyệt Trì - Hồ Cảnh Nguyệt, để đến cổng chính cao 35,7m và ngang 34,5m, dẫn vào Tịnh Độ Viên. Tại cổng chính, hai vị thần hộ pháp đứng ở hai bên nhắc nhở mọi người khi bước chân vào không gian tôn nghiêm, hãy giữ tâm thanh tịnh, làm điều lành và tránh xa những điều ác.
Con đường hành hương từ cổng Tam Quan đến chánh điện dài 1,2km, bao gồm 256 bậc cầu thang, mang câu chuyện ý nghĩa về "Cá chép hóa rồng", thể hiện tinh thần Phật giáo: "Mỗi chúng sanh đều có Phật tính, trải qua khó khăn, trở ngại của cuộc sống để hoàn thiện bản thân và trở thành một vị Phật, giống như câu chuyện cá chép vượt vũ môn".
Dọc theo con đường đến chính điện, nằm giữa vườn cây xinh đẹp, là đền thờ Thánh Đức thái tử hình bát giác, được coi là ngôi đền bát giác lớn nhất thế giới. Thánh Đức Thái Tử là một nhà chính trị, cải cách gia, và là nhân vật Phật giáo  nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản. Ông là người sáng lập "tư tưởng gộp đạo" (Thần, Phật, Nho) duy nhất trên thế giới, đã đưa Phật giáo phát triển sâu rộng khi mới được giới thiệu vào Nhật Bản, xây dựng những ngôi chùa và tự viện lớn như Chùa Tứ Thiên Vương ở Osaka và Chùa Pháp Long ở Nara, các công trình vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Gần đó, có một tháp bảo 5 tầng, cao 32,7m, được xây dựng bằng gỗ và được 30 nghệ nhân Hàn Quốc vẽ màu ngũ sắc trong vòng hai năm để hoàn thành.
Theo truyền thống Nhật Bản, khi vào làm lễ tại các chùa và đền, mọi người phải thực hiện nghi lễ tẩy tịnh. Trên đường vào chính điện có một giếng nước nhỏ, với các gáo nước để người hành hương rửa tay và uống nước để xua tan những bụi bẩn của thế gian, làm cho tâm hồn trở nên thanh tịnh trước khi bước vào tham bái.
Chính Điện là điểm độc đáo nhất, nằm trên đỉnh đồi được trang trí với những mẫu hoa văn chạm khắc tinh xảo, bao gồm 108 vị Bồ tát và 1.008 hóa thân của Đức Phật theo kinh Vô Lượng Thọ. Du khách được phép vào khu trung tâm, tham quan những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và nhận sự hướng dẫn của sư thầy về cách tiến hành lễ tại Điện Quan Âm, Điện Thích Ca và Chính Điện - Điện A Di Đà.
Bên ngoài chùa là hai tháp chuông, mỗi tháp đều có quả chuông đồng lớn. Đại hồng chung, được xem là lớn nhất, nặng 50 tấn, dày 35cm. Nghe tiếng chuông vọng giữa núi rừng, trải qua sự cộng hưởng của âm thanh với tâm trí, giúp xua tan những tạp niệm, chỉ còn lại sự tĩnh lặng và an nhiên lạ thường. Khung cảnh xung quanh chùa là những hoa viên tuyệt vời, rộng lớn, với nhiều loại cây quý hiếm càng làm hình ảnh nơi đây thêm tuyệt vời. Trong đó có những cây tùng có tuổi đời lên đến 800 năm. Ngoài ra, trong khuôn viên của Vương Đường, du khách còn có cơ hội ngắm vườn tượng Ngũ Bách Danh La Hán với hơn 500 bức tượng  đá A La Hán. Các tượng trong khu vườn được tạo hình với kích thước tương đồng với người thật, rất tinh xảo và độc đáo.
Nơi đây không chỉ là ngôi chùa linh thiêng mà còn là địa điểm tổ chức các sự kiện quan trọng của Phật giáo, bao gồm các kỳ hội nghị và hội thảo có quy mô quốc tế, với sự tham gia của lãnh đạo Phật giáo và các nhà trí thức Phật giáo từ nhiều quốc gia. Đặc biệt, vào năm 2008, Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ 5 đã được tổ chức tại đây, thu hút hơn 300 lãnh đạo Phật giáo từ nhiều quốc gia và hơn 10.000 nhà nghiên cứu và tín đồ Phật giáo trên khắp thế giới.