Trải qua thời gian, ngôi đền với vẻ đẹp bình dị vẫn bảo lưu được những giá trị văn hóa, tâm linh, thu hút đông đảo du khách tìm về chiêm bái.
Tới với mảnh đất Quảng Bình , du khách không chỉ được chiêm ngưỡng nhiều danh lam thắng cảnh đẹp như động Phong Nha, sông Chày – hang Tối, suối nước Moọc,... mà còn có cơ hội ghé thăm nhiều địa điểm du lịch tâm linh  đặc sắc và đền Mẫu Liễu Hạnh tọa trấn tại Đèo Ngang là một trong số đó.
Ngôi đền Mẫu Liễu Hạnh đã trải qua nhiều biến đổi trong quá khứ và gánh chịu nhiều sự tổn hại nghiêm trọng. Vào những năm cuối của thế kỷ 20, các quan chức của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã quyết định tiến hành tu sửa và công nhận đây là một trong những di sản lịch sử và văn hóa quan trọng.
Sự tích về Thánh Mẫu Liễu Hạnh
Theo truyền thuyết trong dân gian, Mẫu Liễu Hạnh là một trong bốn vị thánh Tứ bất tử. Bà là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng Thượng đế, 3 lần giáng trần. Bà đã được các triều đại phong kiến từ thời nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn cấp nhiều Sắc, tôn phong là "Mẫu nghi thiên hạ- Mẹ của muôn dân", "Chế Thắng Hòa Diệu đại vương" và cuối cùng quy y cửa Phật theo lối bán tu rồi thành đạo là Mã Vàng Bồ Tát.
Tương truyền Mẫu Liễu Hạnh là người mẹ cai quản vùng trời, vị thánh mẫu đứng đầu hệ thống Tam Phủ, Tứ Phủ thờ đạo Mẫu của người Việt. Đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh tại Quảng Bình là nơi ghi dấu cho sự tích giáng trần của bà.
Ngày nay, đền Mẫu Liễu Hạnh là một phần trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.
Kiến trúc độc đáo của đền Mẫu Liễu Hạnh
Đền Mẫu Liễu Hạnh chỉ có tổng diện tích khoảng 350m2 nhưng không gian ở đây được đánh giá có độ tâm linh rất cao. Được đặt ở vị trí mà lưng dựa vào dãy Hoành Sơn, mặt trước soi bóng hồ Quảng Đông.
Công trình được xây dựng bằng chất liệu chính là đá, gạch và vôi. Từ ngoài đi vào trong đền lần lượt là cổng đền, bức bình phong, cổng tam quan, hai trụ đầu lân trước điện thờ, đền Tiền, đền Hậu.
Ngôi đền tuy không quá đồ sộ nhưng vẫn đậm chất mỹ quan Á Đông và bảo lưu được bản sắc văn hoá dân tộc. Toàn bộ kiến trúc của đền được sắp xếp một cách cân đối từ thấp đến cao theo một trục dọc, tạo nên nét trang nghiêm của đền. Lối bố trí đối xứng được thể hiện rất rõ ngay từ cổng tam quan.
Vào bên trong đền, du khách sẽ được chiêm ngưỡng tứ linh gồm long, lân, quy, phụng; tứ thủ là cầm, kỳ, thi, họa; tứ quý là tùng, cúc, trúc, mai; cùng nhiều biểu tượng cúc hóa long, mai hóa long, tùng hoá long khác. Các chi tiết được chế tác vô cùng tinh tế và được bày trí hài hoà với bố cục chung. Tất cả tạo nên nét độc đáo của ngôi đền và ẩn sau đó là ước muốn vươn đến cái tốt, cái đẹp của người Việt xưa.
Tới đây, du khách còn có cơ hội tham gia lễ hội đền Liễu Hạnh công chúa Quảng Bình. Ngày hội diễn ra trong 3 ngày, từ mồng 1 tháng 3 đến mồng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm, tại thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Hội đền mang đặc trưng của lễ hội cổ truyền Việt Nam với các nghi lễ mang tính phong tục và hướng về cội nguồn. Trong đó, hình tượng người Mẹ gắn với các nhu cầu về sức khỏe và tài lộc. Lễ hội đền Mẫu Mẹ Liễu Hạnh cũng mang sắc thái văn hóa của riêng của tỉnh Quảng Bình, trở thành nếp sinh hoạt tín ngưỡng trong đời sống hàng ngày của nhân dân, hướng con người tới những giá trị tốt đẹp và cao cả.