Hiện những tàn tích của ngôi làng vẫn còn sót lại qua năm tháng.
Một ngôi làng gần 300 năm tuổi từng bị chìm dưới một con đập lớn ở Philippines  đã xuất hiện trở lại khi nắng nóng oi bức và khô hạn làm một phần hồ chứa cạn đáy.
Marlon Paladin, kỹ sư giám sát của Cơ quan Thủy lợi Quốc gia Philippines, cho biết những tàn tích của thị trấn cổ trên vẫn còn sót lại qua năm tháng.
Chỉ khi nước cạn, một loạt các công trình kiến trúc xưa cũ như một phần nhà thờ, bia mộ và hội trường, đã xuất hiện trở lại ở giữa đập vào tháng 3 sau nhiều tháng khu vực này hầu như không có mưa.
Ngôi làng 300 tuổi tưởng chừng đã bị một con đập nhấn chìm bất ngờ nổi lên do hạn hán nguy hiểm ở Philippines. Ảnh: CNN |
Chính quyền địa phương cho biết thị trấn cổ này có từ khoảng 300 năm trước. Đây từng là nơi sinh sống của khoảng 1.300 cư dân. Tuy nhiên, vào năm 1970, khi Philippines xây đập, ngôi làng gần 300 tuổi này đã ngập trong nước một cách có chủ ý vì nó được quy hoạch vào khu vực hồ chứa.
Tuy nhiên, đợt hạn hán năm nay đang ảnh hưởng đến khoảng một nửa số tỉnh của Philippines đã đẩy mực nước của đập xuống thấp, theo AFP. Mực nước tại đập Pantabangan đã giảm 26m từ đầu năm đến nay, mức hiện tại thấp hơn 7m so với một năm trước.
Những tàn tích còn sót lại. Ảnh: Getty Images |
Ông Paladin nói với AFP rằng đây là lần thứ 6 ngôi làng này nổi lên trở lại kể từ khi hồ chứa được xây dựng, đây là lần nổi lên lâu nhất.
Khu vực này đã thu hút sự chú ý của du khách. Aurea Delos Santos, y tá đã nghỉ hưu 61 tuổi, cho biết: "Khi tôi nghe tin nhà thờ bị chìm ở Pantabangan nổi lên, tôi rất phấn khích và muốn được nhìn thấy nó".
Khu vực này đã thu hút sự chú ý của du khách. Ảnh: AFP |
Một số người dân địa phương đã kiếm thêm được thu nhập nhờ công việc đưa đón khách du lịch đến xem ngôi làng. Ngư dân Nelson Dellera cho biết: "Hồi đó, tôi chỉ kiếm được 200 peso (3,5 USD) từ đánh bắt cá, nhưng khi khách du lịch đến, tôi kiếm được 1.500 đến 1.800 peso mỗi ngày".
Con đập hiện đóng vai trò là nguồn cung cấp nước và tưới tiêu chính cho Nueva Ecija và các tỉnh lân cận.
Philippines và các quốc gia khác ở Đông Nam Á  đã phải vật lộn với nắng nóng cực độ trong những tuần gần đây, khiến các trường học phải tạm đóng cửa và chính phủ kêu gọi người dân ở trong nhà để tránh sốc nhiệt.
Sự cố khí hậu do con người gây ra đang làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan trên khắp thế giới, gây ra những thảm họa thường xuyên và nguy hiểm hơn - như sóng nhiệt, lũ lụt và cháy rừng.
>> Ngôi làng nghèo đói 'phất' lên nhờ một người đàn ông, 1/4 dân số trở thành triệu phú