Ngôi làng nghèo đói 'phất' lên nhờ một người đàn ông, 1/4 dân số trở thành triệu phú

12-03-2024 08:47|Phương Nhi

Trong số 235 gia đình hiện nay sinh sống tại làng, có đến 60 gia đình là triệu phú

Ngôi làng Hiware Bazar, thuộc huyện Ahmednagar, bang Maharashtra hiện là nơi giàu nhất trong số các làng ở Ấn Độ, với thu nhập bình quân đầu người đạt 30.000 Rupee (xấp xỉ 9 triệu đồng) mỗi tháng. Trong số 235 gia đình hiện nay, có đến 60 gia đình là triệu phú.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng, trước đây ngôi làng chỉ là một mảnh đất cằn cỗi và nghèo nàn. Người dân thậm chí còn phải chịu cảnh đói nghèo và hạn hán. Năm 1995, thu nhập bình quân đầu người của làng chỉ khoảng 830 Rupee/tháng (tương đương 247 nghìn đồng/tháng). Hơn 90% dân cư của làng phải di cư sang nơi khác làm ăn kiếm sống.

Ngôi làng nghèo đói 'phất' lên nhờ một người đàn ông, 1/4 dân số trở thành triệu phú
Ngôi làng Hiware Bazar

"Thay da đổi thịt"

Để thoát khỏi cảnh nghèo khó, họ nhận ra ngôi làng thiếu một người lãnh đạo mạnh mẽ và có tầm nhìn. Năm 1989, dân làng quyết định đến gặp Popatrao Pawar, người duy nhất trong làng tốt nghiệp đại học. Lúc đó, Pawar cũng chuẩn bị ra đi để nhận một công việc đầy hứa hẹn, nhưng mọi người khuyên ông ở lại và trở thành sarpanch (trưởng làng) đời tiếp theo. Pawar đầu tiên không quan tâm, nhưng sự kiên trì của mọi người đã thuyết phục ông.

Kể từ ông Pawar trở thành trưởng làng, nơi đây đã "thay da đổi thịt" và đạt được những thành tựu to lớn.

Ngôi làng nghèo đói 'phất' lên nhờ một người đàn ông, 1/4 dân số trở thành triệu phú
Ông Popatrao Pawar

Đầu tiên, Pawar đã chấm dứt mối nguy hại do hút thuốc và say rượu gây ra bằng cách đóng cửa tất cả các cửa hàng rượu bất hợp pháp trong làng.

Tiếp đó, ông nhận thấy nơi đây không thường xuyên có mưa nên cần phải phân chia, tích trữ và sử dụng nước hợp lý. Tính đến điều này, ông xin vốn vay dành cho người nghèo từ Ngân hàng Maharashtra, sử dụng khoản tiền đó cải thiện vấn đề nguồn cung nước, đồng thời xây thêm bể chứa và đập.

Với sự giúp đỡ từ dân làng cũng như ngân quỹ của chính quyền tiểu bang, ông đã cùng mọi người thành lập một số thuỷ vực, bao gồm 52 kè đất, 32 kè đá, đập chống lũ và bể lọc để chứa nước mưa.

“Tôi nhận ra mọi vấn đề của làng đều bắt nguồn từ việc thiếu nước. Do vậy, chúng tôi tiết kiệm từng giọt nước mưa và xây bể ngầm ngăn không cho nước ra ngoài. Sau mỗi mùa mưa, diện tích bể ngầm tăng lên khiến mọi người thấy phấn chấn hơn”, Pawar nói.

Giải quyết được vấn đề thiếu nước, nhiều người đã quay trở lại. Ông lập nhóm 2-3 gia đình thường xuyên hỗ trợ nhau, tăng cường quản lý cộng đồng và giảm thiểu chi phí thuê mướn bên ngoài.

Kỹ thuật đầu nguồn ngày càng tiến bộ đã giúp dân làng tưới tiêu và thu hoạch được nhiều loại cây trồng khác nhau. Từ chỗ chỉ có 90 giếng nước vào những năm 1990, ngôi làng nhỏ bé này hiện đã có khoảng 294 chiếc giếng.

Trong vòng vài năm, nghề nông trở lại và phát triển, trở thành nguồn thu nhập chính của người dân trong làng. Hơn nữa, làng cũng từ chối việc sử dụng các loại cây trồng cần nhiều nước, thay vào đó, họ tập trung nhiều hơn vào các loại đậu, rau, quả và hoa cần ít nước hơn để sinh trưởng.

Ngôi làng nghèo đói 'phất' lên nhờ một người đàn ông, 1/4 dân số trở thành triệu phú
Nghề nông đã trở lại và phát triển, trở thành nguồn thu nhập chính của người dân trong làng

Ngoài trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi cũng phát triển. Sản lượng sữa tăng từ 150 lít/ngày giữa những năm 1990 lên đến 4.000 lít/ngày hồi năm 2015. Trong giai đoạn năm 2005-2006, nông nghiệp mang về cho ngôi làng nguồn thu 24,8 triệu Rupee (hơn 7,3 tỷ đồng), đến nay con số chắc chắn đã cao hơn rất nhiều.

“Mùa màng bắt đầu trở về trên mảnh đất, chúng tôi có đồ ăn và nước uống. Tất cả giống như phép màu”, một nông dân địa phương cho biết.

"Ngôi làng lý tưởng" với những giải thưởng cao quý

Năm 1995, trong số 182 gia đình sống trong làng, có 168 gia đình nằm trong danh sách những hộ gia đình dưới mức nghèo đói. Hiện tại, con số ấy bằng 0.

Hiware Bazar còn có những thành tựu khác. Nhà nào cũng có nhà vệ sinh, trường học và hệ thống y tế được xây dựng, điện và nước chạy khắp làng. Bên cạnh đó, mọi chi phí về giáo dục đều do chính ngôi làng này tự chi trả.

Được biết, Chính phủ bang Maharashtra đã trao danh hiệu "Ngôi làng lý tưởng" cho Hiware Bazar. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã vinh danh những thành tựu xuất sắc của trưởng làng cũng như người dân nơi đây. Popatrao Pawar thậm chí đã được bổ nhiệm làm chủ tịch của Chương trình Làng kiểu mẫu của Maharashtra. Ông có mong muốn tạo ra 100 ngôi làng tương tự như Hiware Bazar trong tương lai.

>> 'Ngôi làng đại gia' kỳ lạ bậc nhất Trung Quốc: 100% là công nhân nhưng thu nhập gần 180 triệu đồng/năm, người dân ai cũng ở biệt thự, lái xế sang

Huy động trai tráng tự tay đào đường hầm nguy hiểm nhất thế giới bằng đục và búa, ngôi làng đổi vận sau 600 năm bị cô lập

Ngôi làng được ví như ‘Khải Hoàn Môn Paris’ của Việt Nam bởi quy hoạch quá đẹp, nằm gần ngay thành phố ngàn hoa cùng nhiều điểm du lịch ăn khách

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ngoi-lang-ngheo-doi-phat-len-nho-mot-nguoi-dan-ong-14-dan-so-tro-thanh-trieu-phu-225966.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Ngôi làng nghèo đói 'phất' lên nhờ một người đàn ông, 1/4 dân số trở thành triệu phú
    POWERED BY ONECMS & INTECH