Ngôi nhà dựng từ gỗ lim quý hiếm gắn với nguyên mẫu Bá Kiến: Từng được bán với giá 20 cây vàng, dân làng bảo vệ như 'báu vật'
Trải qua rất nhiều thăng trầm và biến động lịch sử, ngôi nhà đặc biệt này vẫn được người dân gìn giữ và coi như “báu vật” của làng Vũ Đại.
Chí Phèo của cố nhà văn Nam Cao là tác phẩm văn học quen thuộc với học sinh Việt Nam. Bên cạnh hai nhân vật chính là Chí Phèo và Thị Nở, hình tượng Bá Kiến – kẻ đại diện cho tầng lớp thống trị thời phong kiến – cũng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.
Thực tế, nhân vật Bá Kiến nổi tiếng được nhà văn Nam Cao viết dựa trên một nguyên mẫu có thật. Hiện, tại làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam vẫn còn ngôi nhà của nhân vật này.
"Căn nhà Bá Kiến" uy quyền một thời trong truyện Chí Phèo
“Nhà Bá Kiến” cách trung tâm TP. Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) khoảng 40km và đã tồn tại hơn 100 năm. Ngôi nhà nằm trên khu đất rộng 900m2, cửa hướng Tây – Nam và đã trải qua 7 đời chủ đầy biến động.
Các bô lão trong làng kể lại, chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà là một lái buôn giàu có tên Hạnh. Khi đó, cụ thuê gần 20 thợ mộc nổi tiếng ở Cao Đà, Phủ Lý Nhân để dựng ngôi nhà, khiến cả làng ngưỡng mộ.
Qua đến đời thứ ba, do biến cố, gia đình cụ Hanh phải gán nợ căn nhà cho Bá Bính (tên thật là Trần Duy Bính), nhân vật được nhà văn Nam Cao lấy làm nguyên mẫu cho nhân vật Bá Kiến. Bá Bính qua đời năm 1946, để lại gia sản cho con trai là Binh Tảo. Tuy nhiên, do lối sống chơi bời, nghiện ngập, Binh Tảo đã phải rao bán căn nhà với giá 4.500 đồng, tương đương với khoảng 20 cây vàng  lúc bấy giờ.
Ông Trần Hữu Hậu, một Việt kiều ở Pháp về và cũng là người gốc Đại Hoàng (dân làng thường gọi Cai Hậu) là người mua lại ngôi nhà này vào tháng 8/1963.
Theo người dân, đến đời cháu của ông Cai Hậu thì bi kịch lại xảy ra. Không rõ lý do gì, ông Hòa đã tự vẫn dưới nhà ngang. Sau đó, vợ con ông Hòa bàn nhau tháo dỡ toàn bộ ngôi nhà để chuyển đi nơi khác.
Khi nghe tin vợ con ông Hòa có ý định dỡ nhà vì không thể ở được, ngày 17/11/2007, UBND tỉnh Hà Nam quyết định mua lại ngôi nhà và mảnh đất rộng gần 900m2 này với giá 700 triệu đồng để bảo tồn, làm khu di tích về “thời Bá Kiến” xưa kia và khai thác thành tour du lịch địa phương.
“Báu vật” của làng Vũ Đại
Ngôi nhà gỗ lim 3 gian, 2 dĩ của “Bá Kiến” được thiết kế theo hình thức đấu thượng chồng rường, tiền kẻ, hậu bẩy. Trên các văng, li tô, kèo đều được khắc họa hình rồng, chữ nho. Phía dưới mái ngói có lá mái, là rèm che để trang trí. Bên trong là tẩu để đỡ chân rui. Đầu mỗi cái kẻ đều được đục chữ Thọ thể hiện mong muốn trường sinh.
Phía trước nhà có dạ chắn mưa, che nắng và để đảm bảo sự kín đáo, riêng tư cho những sinh hoạt của gia đình, người ngoài nhìn vào không thể thấy những gì diễn ra bên trong. Lối vào nhà được thiết kế 2 bên nách theo phong thủy, tránh việc mọi người vào nhà trực diện từ gian giữa.
Trong nhà có 4 hàng cột với tổng 16 cây cột gỗ lim . Chân cột được kê bằng bệ đá tảng đẽo gọt hết sức công phu.
Gian giữa là bàn thờ với đôi câu đối được đồ nho Hùng Sơn khắc lên gỗ vàng tâm, cùng bức đại tự treo phía trên. Tường nhà được xây bằng gạch nung bằng rơm, trộn hồ từ mật mía, bồ hóng, giúp tường không bị bong tróc dù đã qua hàng thế kỷ.
Mái nhà lợp duy nhất một loại ngói ta theo kiểu bít đốc, hai đầu bờ nóc có đấu vuông giật cấp theo đúng nhà truyền thống Bắc Bộ xưa. Phía trước ngôi nhà được xây dựng một bể nước hình chữ nhật khoảng 2m2 mà theo lý giải của nhiều người là để hợp với phong thủy ngôi nhà.
Theo các cụ trong làng, xưa kia ngôi nhà này có nhiều thứ rất quý giá như tranh, ảnh, hoành phi, câu đối cổ… nhưng đã bị bán và mối mọt hết. Ngôi nhà còn suýt bị “khai tử” khi có người định mua để xẻ gỗ bán và có lần Pháp dọa đốt phá, may mắn cả hai lần đều có sự can ngăn kịp thời.
Dù đã trải qua nhiều biến cố, ngôi nhà vẫn giữ được nét cổ kính, gợi nhớ về một thời huy hoàng của "nhà Bá Kiến". Hiện nay, nơi đây trở thành điểm tham quan nổi tiếng, thu hút du khách đến khám phá kiến trúc cổ và tìm hiểu về bối cảnh văn học của Nam Cao.
Ngôi nhà nằm cạnh khu tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao, tạo thành một quần thể di tích văn hóa, lịch sử đặc biệt của huyện Lý Nhân.
Tuy không còn là cơ ngơi lộng lẫy như xưa, ngôi nhà vẫn là minh chứng sống động cho một giai đoạn lịch sử đầy biến động, đồng thời mang đến giá trị văn hóa, du lịch quan trọng cho vùng đất Hà Nam.